Muôn kiếp nhân duyên (Past lives) lấy cột mốc thời 12 năm sau khi Na Young/ Nora (Greta Lee) và gia đình di cư đến Bắc Mỹ từ Hàn Quốc, cô đã kết nối lại với người bạn thời thơ ấu của mình, Hae Sung (Yoo Teo). Cả hai tiếp tục từ nơi họ đã dừng lại, và mối quan hệ của họ vẫn bền chặt như khi còn nhỏ. Cuộc sống đưa họ đi những con đường khác nhau, nhưng khi Hae Sung đi nghỉ mát ở thành phố nơi Nora sống, họ gặp lại nhau và phải đối mặt với những câu hỏi về tình yêu và số phận.
Những đoạn hồi tưởng đầu tiên của phim đưa chúng ta đến khoảng cuối những năm 1990 đầu những năm 2000 ở Seoul, nơi cô bé 12 tuổi, Na Young (Seung Ah Moon), đang đi bộ về nhà sau giờ học cùng một cậu bé 12 tuổi Hae Sung (Seung Min Yim). Họ là những người thân thiết nhau, mặc dù họ cũng là đối thủ cạnh tranh về thành tích học tập trong lớp. Mẹ của Na Young đã sắp đặt một kiểu “hẹn hò vui chơi” lãng mạn giữa hai đứa trẻ, điều này khiến cho Hae Sung có ấn tượng rằng họ sinh ra là để ở bên nhau.
Tiếp theo, các thước phim cho thấy cả hai nhân vật ở độ tuổi 20: Na Young lấy bút danh Nora và hiện là một ngôi sao văn học mới chớm nở ở New York. Hae Sung nghèo khổ (Teo Yoo) thì thực hiện nghĩa vụ quân sự để trở về Seoul và theo học ngành kỹ thuật.
Cả hai kết nối qua Facebook và sau đó là Skype. Sự phấn khích rạng rỡ trong cuộc trò chuyện của họ khiến mình và bạn phải ngồi cười thật vui trên ghế. Nhưng lúc này, hạnh phúc của họ là một câu hỏi chưa được giải đáp: họ có nên ở bên nhau không? Hay đó là ảo tưởng? Có phải cả hai có phải đều đang lãng mạn hóa sự trong sáng của tình bạn thời thơ ấu?
Nửa sau Muôn kiếp nhân duyên lấy bối cảnh ở New York, Na Young đã hoàn toàn khẳng định được sự nghiệp danh giá của mình. Còn Hae Sung sau một mối tình thất bại thảm hại, cuối cùng cũng đến New York và gặp Na Young và chồng cô ấy là Arthur, (John Magaro), một tiểu thuyết gia đầy triển vọng.
Đây là câu chuyện tuyệt đẹp về tình yêu đã đánh mất vào thời thơ ấu, những nỗi đau đớn và cả mối nguy hiểm tiềm tàng khi nhìn về quá khứ. Chúng ta luôn có những con đường không thể đi, những cuộc đời không thể có được, cùng những sự tiếc nuối vô ích. Bộ phim nói lên trải nghiệm của người di cư và cách mà điều này tạo ra những thực tế trần trụi: “cái tôi” lẽ ra có thể ở lại quê hương cũ có thể đã rất khác so với “cái tôi” đã ra nước ngoài để tìm một tương lai mới.
Kết hợp nỗi khao khát nhức nhối trong Tâm trạng khi yêu của Vương Gia Vệ với sự gần gũi giản dị trong bộ ba Before của Richard Linklater, Muôn kiếp nhân duyên vẽ nên một bức tranh về một cuộc tình rất đời thường vừa tinh tế vừa sâu sắc, đan xen các chủ đề vượt thời gian về số phận và gợi ra những suy ngẫm thực tế về sự tình cờ và bản sắc con người. Luân phiên các khung hình ở Hàn Quốc và Bắc Mỹ, bộ phim tạo cảm giác giống như một sự kết hợp giữa chủ nghĩa không tưởng ở Return to Seoul (2022) của Davy Chou xen lẫn nỗi u sầu khắc kỷ gợi nhớ những cảnh cuối cùng trong Câu chuyện Tokyo (1953) của Yasujiro Ozu. Vâng thật đấy!
Mình rất thích cách Na Young/Nora nói về khái niệm “in-yun” (nhân duyên) của người Hàn Quốc, đây là một loại nghiệp chướng gắn kết những người từng yêu nhau ở kiếp trước. Bộ phim tuyệt vời này gợi ý rằng tiền kiếp của Na Young và Hae Sung chính là tuổi thơ của họ, vốn được lưu giữ và tôn vinh trong ký ức của mỗi người.
Điều làm cho Muôn kiếp nhân duyên cảm động đến cuối cùng là ân huệ và lòng tốt mà cả ba nhân vật này dành cho nhau trong một tình huống khó xử khi không có anh hùng hay nhân vật phản diện nào. Bạn có thể từng xem phiên qua nhiều tam giác lãng mạn hơn câu chuyện này, nhưng phim không theo đuổi thể loại bi kịch mà lại muốn chúng ta biết điều gì đã khiến Nora và Hae Sung xa cách cũng như điều gì đang ràng buộc họ, có thể là mãi mãi.
Mình cũng có những lời khen ngợi dành cho dàn diễn viên chính, những người đã khắc họa sự xung đột nội tâm và sự xuất thần chỉ bằng một cái nghiêng đầu hoặc một chuyển động vai tinh tế. Âm nhạc tinh tế tuyệt vời của Christopher Bear và Daniel Rossen cũng hoàn thiện bức tranh hoàn hảo, gợi nhắc đến các bản piano trữ tình trong Drive My Car (2021) của Eiko Ishibashi và nỗi đau buồn lẫn lộn trong Punch-Drunk Love (2002) của Jon Brion.
Đạo diễn Celine Song kết hợp giữa siêu hình và thực tế, gợi lên một thế giới trong đó mọi quyết định đều có sức mạnh biến đổi số mệnh con người, cũng như tô bật các khái niệm về tình yêu và tình bạn. Bộ phim gói gọn hai thập kỷ chỉ trong hai giờ, là câu chuyện lãng mạn có ảnh hưởng nhất mà mình từng xem trong nhiều năm qua. Tác phẩm kết thúc bằng một hình ảnh đầy hy vọng, ít tập trung vào những hối tiếc trong quá khứ của các nhân vật mà hướng đến nhiều hơn vào những khả năng vô hạn vẫn còn ở phía trước.
Theo: Dienanh.net