Từ một dòng phim chịu đối xử bất công và hầu như bị coi là vô hình trong một thời gian dài, dòng phim LGBT đã có một bước tiến dài để trở thành một thể loại phim có thể tự do thể hiện những câu chuyện đa sắc màu.
Nhớ về những năm điện ảnh vừa ra đời, cộng đồng LGBT trong phim cũng như cách họ bị đối xử bên ngoài, lạnh nhạt, không thực và mang đầy định kiến. Nhưng nghệ thuật vốn cấp tiến và tự do như một lẽ tự nhiên, những nhân vật đồng tính vẫn tìm được đường đưa vào cốt truyện tổng thể. Trước khi “luật ngầm” kiểm duyệt ra đời, họ luôn được thể hiện với cách nhìn nhân đạo và tự nhiên hơn. Tuy nhiên, cán cân này luôn dao động không ngừng trong đà phát triển của nền công nghiệp phim ảnh. Đến nay, cuối cùng thì dòng phim này cũng nhận được sự công nhận đúng đắn và chuyển mình theo hướng tích cực, như các gương mặt mới của thể loại trong những năm gần đây đã chứng minh. Kể từ cột mốc Brokeback Mountain, LGBT Cinema đã tiến xa.
Dòng phim LGBT, hay điện ảnh gọi LGBT Cinema, như bao thể loại khác, là dòng phim liên tục chảy và uốn lượn theo từng cột mốc thời đại của cộng đồng LGBT và thế giới xung quanh đó. Kể từ sự hình thành của phim có tiếng – bước phát triển tiếp theo sau một thời gian phim câm đặt nền móng cho điện ảnh khắp nơi, phim ngắn The Dickson Experiment Sound Film (1894) được xem là bộ phim đầu tiên mô tả mối quan hệ đồng giới trong điện ảnh với khung cảnh hai người đàn ông khiêu vũ với nhau. Dù chỉ là phim ngắn, nó đã làm rúng động khán giả bấy giờ.
Kể từ đó, từ Charlie Chaplin của một Hollywood mới thai nghén đến những nhà làm phim của điện ảnh châu Âu đã lần lượt đưa yếu tố LGBT vào phim của họ với nhiều sắc thái. Có thể nói, đó là một tổ hợp của rất nhiều góc nhìn từ xã hội đối với cộng đồng LGBT thời đại. Tôn trọng có – Salome (1922), nồng cháy có – Madchen in Uniform, ngay cả tiêu cực cũng hiện diện – The Maltese Falcon (1941), cho đến rùng rợn như Rope (1948) của Alfred Hitchcock. Dù là lớn hay nhỏ, chính hay phụ, họ – những người đồng tính – đã hiện diện trong điện ảnh từ thuở đầu.
Ngay cả luật kiểm duyệt Hays Code (bộ quy tắc chịu sự ảnh hưởng của các tổ chức tôn giáo và bảo thủ lập nên để kiểm duyệt nội dung phim theo tiêu chuẩn của đạo Thiên Chúa) – của giới Hollywood cũng không làm họ biến mất. Không thể thể hiện chính thức, yếu tố LGBT kỷ nguyên Hays Code (1934) được khéo léo lồng ghép vào câu chuyện chung với các nét chấm phá tinh tế. Ở lục địa già, các nhà làm phim còn thẳng thừng phê phán một xã hội quá bảo thủ dẫn đến nhiều đau thương cho cộng đồng LGBT. Một trong những ví dụ của việc che giấu bậc thầy phải kể đến một trong những dự án kinh điển nhất mọi thời đại từng đoạt 7 giải Oscar trên 10 đề cử – Lawrence of Arabia (1962).
Trong đây, bộ phim không chỉ ám chỉ nhân vật chính của nó Lawrence (Peter O’Toole) là một người đồng tính, mà còn để lại nhiều chi tiết cho thấy anh ta đang có mối quan hệ gần gũi với người bạn đồng hành thân thiết của mình là Sherif Ali. Những suy đoán về cả 2 đã chấm dứt với sự khẳng định từ đạo diễn phim David Lean trong những năm sau này.
Sự kiện Stonewall (1969) và việc bãi bỏ Hays Code trước đó 1 năm đánh dấu một chương mới của dòng phim LGBT. Thể loại đã cùng cộng đồng người đồnh giới đi qua những thăng trầm từ sự đàn áp thầm lặng của pháp luật, sự chối bỏ của những tổ chức tôn giáo, bảo thủ cho đến mối họa đã đem đến cho cộng đồng LGBT nỗi sợ hãi lớn nhất – đại dịch HIV/AIDS. Đây là thời gian mà dòng phim lột tả nhiều hơn là những chuyện tình cấm đoán sướt mướt và bất hạnh. Đó cũng thời đại của những cuộc đấu tranh và hơn hết là khát vọng bình đẳng, được nhìn nhận đúng đắn trước những định kiến sai lệch tràn lan trên các phương tiện truyền thông và sự rình rập của căn bệnh thế hiện chưa có thuốc chữa trị.
Và từ thập niên 90 trở đi, sự trỗi dậy của một thế hệ nhà làm phim, nhà hoạt động xã hội, diễn viên, biên kịch trẻ tuổi, cấp tiến và đa dạng hơn đã chính thức khai sinh thứ gọi là LGBT Cinema. Tuy là thế, việc chuyển đổi chưa bao giờ dễ dàng. Nghệ thuật rất cấp tiến và cởi mở, nhưng không phải bộ phận khán giả nào cũng vậy. Ngay cả khi phong trào đấu tranh đạt được những bước tiến, hình ảnh của người đồng tính trên phim thường chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được, miễn là họ không đe dọa “status quo”. Nếu không, bi kịch là thứ luôn gắn liền với những nhân vật đồng tính dù họ có phải vai chính hay không.
Cuộc đấu tranh nào cũng cần một người tiên phong. Và bộ phim tiên phong này đã đến với LGBT Cinema – Brokeback Mountain. Không chỉ là phim mà nhân vật đồng tính chèo lái từ đầu đến cuối, nó còn mô tả chuyện tình trong đây với nhiều cảm xúc và độ sâu sắc, ẩn ý mà các phim cùng thể loại trước đó không có được, thậm chí là những phim anh em sau này cũng khó mà bì được với tầng lớp ý nghĩa Brokeback Mountain thể hiện Brokeback Mountain đã mở ra một chương mới cho LGBT Cinema nói riêng và điện ảnh Hollywood nói chung. Đó là một cột mốc đã đưa chúng ta đến với Moonlight (2016), Carol (2015), Call Me by Your Name (2017)…của ngày hôm nay.
Đây không phải là sự chuyển dịch duy nhất của dòng phim LGBT, hay nói đúng hơn, đây không phải sự thay đổi duy nhất của việc thể hiện yếu tố LGBT nói chung trên màn ảnh lớn nhỏ. Thay đổi này, diễn ra từ tốn và nhỏ nhặt, thậm chí vô hình, phản ánh góc nhìn hiện đại đối với thể loại phim và cả cộng đồng LGBT nữa.
Nếu hình dung một phim LGBT mà không nói đến tình yêu đồng giới và những trở ngại điển hình của nó là một điều không thể. Tuy nhiên, chỉ định hình LGBT Cinema trong những câu chuyện hạn hẹp này thì không đúng chút nào. LGBT Cinema vẫn đang và đã thể hiện những thông điệp sâu sắc hơn trên nền hình ảnh giàu tính nghệ thuật. Hoặc khi chia sẻ ánh hào quang với những chủ đề liên quan, chúng vẫn đem đến dấu nhấn nhất định.
Nói không ngoa khi nói thông điệp ý nghĩa là thế mạnh của LGBT Cinema. Không có hình ảnh hào nhoáng hay những phân đoạn hành động gay cấn (phần vì đó sẽ là một quyết định vô cùng mạo hiểm và định kiến), những bộ phim về người đồng tính thường mang hơi thở các vấn đề nổi trội của cộng đồng. Và ý nghĩa lớn lao trong đó, dù có được khắc họa rõ ràng hay gợi ý, theo đó là một câu chuyện tử tế với ngôn ngữ điện ảnh nghiêm túc, mới có thể lắng đọng trong lòng người xem mà không khơi gợi sự phản cảm. Nói đúng hơn là thời đại vẫn là thứ cuộn trào qua LGBT Cinema.
Brokeback Mountain không chỉ là một bộ phim về thứ tình yêu đau khổ giữa Ennis và Jack, mà còn mượn hình ảnh cao bồi để nói đến tính nam độc hại – một thông điệp thực sự đi trước thời đại; Dallas Buyers Club (2013) là cuộc vật lộn với bệnh tật nhưng cũng là sức chịu đựng những định kiến sai lệch dưới góc nhìn của một ngươi dị tính mắc phải căn bệnh mà bấy giờ đều được cho là “độc quyền” của người đồng tính; The Danish Girl (2015) là một quá trình lấy lại danh tính với chính mình nhưng cũng ca ngợi sự cao thượng và lòng trắc ẩn từ những người bạn, người thân yêu; Soldier’s Girl mô tả một số phận bất hạnh nhưng cũng kể đến sự vô dụng của bộ luật “Don’t Ask, Don’t Tell”.
Nhưng phàm là cái gì quá nhiều cũng không tốt. Những dự án tiếng tăm của LGBT Cinema hầu hết đều tập trung khai thác những khía cạnh bi kịch, khiến cộng đồng LGBT một lần nữa vô tình bị đóng khung là một cộng đồng luôn chìm trong đau khổ, phần nào biệt lập họ trong điện ảnh. Cuối thập niên 2010, dòng phim có lẽ cũng nhận thức được điều này. Sau chiến thắng vang dội và mang tính lịch sử của Moonlight (2016) – bộ phim khắc họa ba hồi cuộc đời của một người đồng tính, mới bắt đầu hướng đến những lát cắt nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu lắng với Call Me By Your Name (2017).
Không gì ngọt ngào và đau đớn hơn một tình yêu có khởi đầu thật đẹp nhưng không thể đi đến điểm cuối cùng có thể được coi là bản tóm tắt cảm xúc khi nói đến Call Me By Your Name (2017). Là một phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, cũng nói về tình yêu đồng giới nhưng phim có gì lạ lắm. Call Me By Your Name khi ra mắt gây ấn tượng với những góc quay đẹp mê hồn và cách Elio và Oliver phải lòng nhau dưới ánh nắng vàng của vùng quê nước Ý. Mặc dù những vấn đề xã hội được đề tên trong phim, chuyện tình chuyển biến từ trong trẻo đượm màu sắc mới lớn cho đến tính gợi cảm trưởng thành được thể hiện tinh tế mới là trọng tâm chính của phim. Ở đây, người xem có thể kết nối với sự lãng mạn cùng đầy đủ vui, buồn, ngọt, đắng của tình yêu đầu đời của một thiếu niên. Nói cách khác, không phải “đồng giới”, mà chính “tình yêu” đã thu hút khán giả.
Làn sóng này đươc tiếp nối với sự ra đời của Blue is the Warmest Color (2017) đã có chiến thắng vang dội ở LHP Cannes cùng năm. Là bộ phim hiếm hoi về những cặp tình nhân đồng giới nữ, Blue is the Warmest Color đồng thời cũng là bộ phim về những rung động đầu đời của một thiếu nữ. Tiếp đến, Love, Simon (2018) mang đến một màn “come out” cảm động của một thiếu niên đồng tính trong một xã hội đã khác trước nhiều. The Half of It (2020) xoáy vào tình bạn giữa một nữ học sinh đang mò mẫm về bản thân và bạn học nam nhạy cảm hơn người ta nghĩ hết sức nhẹ nhàng, ngay cả màn “come out” sau đó cũng dịu dàng như nắng ấm – trái ngược với thế hệ phải đối mặt với rủi ro nguy hiểm khi quyết định công khai trươc đó.
Những dấu ấn thể hiện LGBT là một phần của cộng đồng chung còn được thể hiện qua Bohemian Rhapsody (2018), Rocketman (2019), những bộ phim mà yếu tố đồng tính chỉ đóng vai trò phụ bên cạnh câu chuyện về những con người vĩ đại của làng âm nhạc. Ngay cả những series truyền hình như Heartstopper hay Sex Education cũng mang những âm hưởng tích cực của một thế hệ LGBTQ+ mới trong một thập niên mới với nhiều vấn đề xã hội đang trên đà biến chuyển hơn bao giờ hết.
Mặc dù những hướng đi truyền thống của LGBT Cinema vẫn phát triển mạnh mẽ (Power of the Dog – tính nam độc hại, Boy Erased – liệu pháp chuyển đổi đồng tính, Benedetta – xung đột giữa xu hướng tính dục và tôn giáo), dòng phim đã có những bước chuyển hướng đến việc lột tả những khía cạnh đời thường của cộng đồng LGBT như để truyền tải một thông điệp họ cũng như bao người, nhằm tránh việc cô lập thể loại này trong phim ảnh. Bằng chứng là sự hiện diện của những nhân vật đồng tính trong các bộ phim không còn là điều gây ngạc nhiên hay phản cảm. Điều xa hơn nữa là những phim về các nhân vật đồng tính không còn bị giới hạn trong chính kịch, điển hình là Fantastic Beasts: The Secrets of Dumbledore và màn ảnh nhỏ có dấu ấn Hannibal hiện diện như một lời phản kháng hành vi “queer-baiting”.
Như vậy, từ thuở đầu của điện ảnh, LGBT Cinema đã luôn uốn mình theo thời đại để đem đến nhiều màu sắc cho phim ảnh. LGBT Cinema giờ đây không chỉ gói gọn cho cộng đồng LGBT nữa, mà có thể tạo tiếng nói chung cho cả những khán giả đại chúng. Đó là một bước chuyển mình đáng kinh ngạc của dòng phim từng nhận nhiều cái nhìn không mấy thiện cảm.
Theo: Moveek.com