Giữa hàng loạt phim kinh dị ra rạp, ngoài những bộ phim được đầu tư chỉn chu thì cũng có những phim ẩu tả đến mức gây thất vọng. Sau Ma Gương 3, Virus 32 thì Karem: Vật Chứa Tử Thần là bộ phim được làm theo motif cũ kỹ từ hình ảnh đến nội dung khiến mình vô cùng khó chịu khi xem.
Karem: Vật Chứa Tử Thần là bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật vào năm 1984, xoay quanh chuyến chuyển nhà bất ổn từ Hoa Kỳ đến Mexico của gia đình Abraham Briseño – Mariana Briseño. Abraham Briseño – Mariana Briseño và những đứa con của mình phải học cách làm quen với nơi ở mới, họ không biết rằng mình vừa đến nơi ác quỷ lộng hành.
Ngôi nhà mới của gia đình Abraham Briseño là một ngôi nhà cổ, nơi từng xảy ra những vụ án mạng kinh hoàng, kéo theo những linh hồn vẫn chưa được siêu thoát. Nhưng oan hồn vẫn ngấm ngầm ở đó chờ ngày tìm được đối tượng thích hợp để nhập hồn và quậy phá.
Karem: Vật Chứa Tử Thần tập trung vào những diễn biến tâm lý và hành vi của cô bé Karem – con gái út trong nhà. Karem vốn tính tình tò mò, khi đến nhà mới, cô bé liền đi khắp nơi để khám phá. Vô tình trong một đêm khuya, Karem phát hiện ra món đồ chơi cổ quái, có hình thù như một con lật đật, tiếp đến là một quyển nhật ký ghi chú những điều kỳ lạ. Từ ngày chạm vào những món đồ đó, Karem trở nên khác hẳn, dường như cô bé đã bị một thế lực siêu nhiên nào đó “hớp hồn”.
Ác quỷ thống trị ngôi nhà mà gia đình Karem đang ở có tên là Naro. Naro đã nhắm trúng Karem và ban cho cô bé sức mạnh điều khiển từ xa rồi dần dần lợi dụng và chiếm dụng thân xác lẫn tâm trí của Karem để hại cả gia đình cô bé. Khi phát hiện con gái mình ngày càng trở nên khác lạ, bố mẹ Karem đã mời một vị linh mục địa phương đến để xem xét tình hình. Tuy nhiên, nó lại càng kéo theo một chuỗi những sự việc bất ổn khác.
Karem: Vật Chứa Tử Thần có sự kết hợp của 3 nguyên hình truyện phim: cá ra khỏi nước (cả gia đình chuyển sang một nơi ở mới, ẩn chứa những nguy hiểm tiềm tàng, quái vật trong nhà (ngôi nhà có sự xuất hiện của ác quỷ Naro) và bán linh hồn cho quỷ (Karem dần trở nên khác lạ sau khi chạm vào món đồ chơi và quyển nhật ký). Với những nguyên hình truyện phim này, lẽ ra Karem: Vật Chứa Tử Thần có thể tạo ra một câu chuyện hấp dẫn, thú vị hơn nhưng phim đã đi vào lối mòn cũ kỹ khiến mình thật sự ngán ngẩm.
Việc mở ra không gian của một ngôi nhà ma ám với những bóng đen lẩn khuất, những tiếng động kỳ lạ, những mùi hôi khó chịu, những đồ vật quái dị,… chính là một cái khung không thể nhàm chán hơn để tạo nên một câu chuyện ma kinh dị.
Phát hành vào năm 2022 nhưng cốt truyện của Karem: Vật Chứa Tử Thần lại chẳng khác gì mấy so với những bộ phim kinh dị cùng đề tài những năm 1980. Karem: Vật Chứa Tử Thần gợi nhớ cho mình đến Poltergeist ra mắt vào năm 1982, đây cũng là một trong những bộ phim ra đời khá sớm làm tiền đề cho những phim kinh dị sau này.
Poltergeist xoay quanh cô con gái nhỏ Carol Anne của một gia đình sống ở vùng ngoại ô. Carol Anne vô tình phát hiện một con ma trong nhà mình, ban đầu con ma tỏ ra khá thân thiện nên nó và Anne đã chơi với nhau rất vui vẻ. Sau đó, con ma đó dần trở nên “xấu xa”, nó mang Anne đi và tấn công cả gia đình. Gia đình Anne khi đó cũng phải thuê những chuyên gia về thế giới thần bí để truy tìm, lần theo dấu vết để mang Anne trở về.
Không chỉ có Poltergeist mà còn rất nhiều bộ phim kinh dị lấy tâm điểm là những đứa trẻ, xoay quanh những trò đùa ma quái và những cuộc đấu tranh giành lại sự bình yên cho ngôi nhà đã từng thực hiện trước đó. Vậy nên việc làm lại y nguyên những gì đã quá thành công như vậy nhưng theo một cách dở hơn thì Karem: Vật Chứa Tử Thần thật sự là một bộ phim đáng quên thuộc chủ đề này.
Mình biết là Karem: Vật Chứa Tử Thần đang cố tái hiện sự kiện có thật diễn ra trong quá khứ. Tuy nhiên gam màu cũ kỹ, lạnh lẽo và tối đến mức có nhiều chỗ thật sự không thấy được những gì đang diễn ra trên màn ảnh khiến mình cảm thấy vô cùng khó chịu. Thật ra đây là tình trạng chung vì những bộ phim theo lối kinh dị cũ kỹ trước đó ra rạp trong năm 2022 như Năm, Mười, Mười Lăm, Ma Gương 3, Virus 32,…đều rơi vào trường hợp này.
Những khung hình được sắp xếp một cách tùy tiện, góc quay cơ bản và lỗi thời, không tạo được hiệu ứng đặc biệt càng khiến chất lượng hình ảnh giảm sút. Những biến dị trên gương mặt của Karem không làm mình thấy sợ mà mình thấy kinh hãi và phản cảm nhiều hơn. Những cảnh tác động vật lý trong Karem: Vật Chứa Tử Thần cũng rất cẩu thả, chỉ dùng jumpscare để hù dọa người xem.
Cốt truyện cũ mèm, từng diễn biến trong câu chuyện không có gì mới mẻ, đến mức nếu bỏ ra ngoài một hồi rồi vô lại cũng không ảnh hưởng gì hay chểnh mảng một chút thì vẫn có thể hiểu cặn kẽ vì đã quá quen thuộc với motif này. Hình ảnh và âm thanh lạm dụng kỹ thuật, cố tạo nên hiệu ứng bất ngờ và ra vẻ như đây là một bộ phim kinh dị nặng đô càng khiến nó trở nên lố lăng.
Màn cao trào trong Karem: Vật Chứa Tử Thần cũng không được đẩy lên ở mức độ cao nhất trong khả năng của nó. Màn đối đầu giữa ác quỷ và chúa (Naro và linh mục) – một trong những cảnh tượng kinh điển, cú chốt hạ trong những phim về quỷ ám trong Karem: Vật Chứa Tử Thần cũng khiến mình thất vọng vì trôi qua chớp nhoáng. Tình cảm gia đình cũng không được thể hiện trong bộ phim mặc dù tuyến nhân vật chính trong Karem: Vật Chứa Tử Thần là cả gia đình. Họ không hề thể hiện được thứ gọi là sức mạnh tình thân hay hi sinh vì nhau trong nghịch cảnh.
Thật sự, mình không thấy Karem: Vật Chứa Tử Thần có một điểm sáng nào đáng ghi nhận. Mình nghĩ nếu không thể tạo nên một bộ phim hay với một kịch bản sáng tạo và được đầu tư kỹ lưỡng thì chí ít nó cũng nên là một bộ phim tử tế để khán giả khi xem không cảm thấy khó chịu. Tiếc là Karem: Vật Chứa Tử Thần không làm được điều đó.
Theo: Dienanh.net