Thứ Sáu, Tháng Chín 20, 2024
Trang chủPHIMTin Tức PhimEm và Trịnh hư cấu tiểu sử: Người thật bất bình, người...

Em và Trịnh hư cấu tiểu sử: Người thật bất bình, người xem tranh cãi

Ngay từ khi bắt đầu, dự án Em và Trịnh đã gây thu hút cho nhiều khán giả, đặc biệt với những ai đã dành hơn nửa cuộc đời để chìm vào những giai điệu của Ướt Mi, Phôi Pha, Còn Tuổi Nào Cho Em… thì chắc chắn bộ phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sẽ phần nào khiến họ cảm xúc khi nhìn lại cuộc đời của nghệ sĩ Trịnh Công Sơn. 

Tuy nhiên, chính vì là tác phẩm tái hiện về cuộc đời cố nhạc sĩ, nên nhiều đánh giá tiêu cực cho hay Em và Trịnh đã hư cấu, khiến tất cả những gì xoay quanh cố nhạc sĩ gần như sai hoàn toàn khi đưa lên màn ảnh rộng. Điều đó đã gây nên một cuộc tranh cãi từ phía khán giả cho đến những người trong cuộc.

Em và Trịnh, tác phẩm đan xen mốc thời gian giữa quá khứ và hiện tại, kể về những năm tháng thăng trầm trong sự nghiệp sáng tác cũng như khắc họa lại những chuyện tình dang dở của cố nghệ sĩ cùng những bóng hồng, từ cái ấn tượng đầu tiên cho tiếng hát trầm buồn của cô ca sĩ Thanh Thúy, cho đến những Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly và cô gái người Nhật với đam mê nghiên cứu các sáng tác phản chiến – Michiko. 

Dưới tạo hình nhân vật của nhà làm phim, Trịnh Công Sơn do Trần Lực và Avin Lu đã mang đến hình ảnh một người nghệ sĩ khiến công chúng tranh cãi trong những ngày vừa qua, một phần vì cách thể hiện không hoàn toàn giống với tính cách của Trịnh Công Sơn ngoài đời thật, mặt khác là do kịch bản biến tấu quá nhiều chi tiết, khiến trong mắt một số khán giả và ngay cả tôi cũng nghĩ đây là một “trap boy” điển hình.

 

Những phản bác từ người thật

Kể từ khi công bố, dự án Em và Trịnh được khá nhiều khán giả đón chờ. Bởi theo tôi được biết, đây là tác phẩm đầu tiên can đảm khai thác về tiểu sử và cuộc đời của một người nghệ sĩ Việt Nam, hơn nữa là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn lao đến nền Văn hóa Âm nhạc dân tộc, nhạc Trịnh luôn là những bài hát tạo được dấu ấn trong lòng công chúng từ lâu đời, ví như là những sản phẩm đại diện cho văn hóa nước nhà.

Chính vì vậy, việc khai thác và chuyển thể thành một tác phẩm điện ảnh, quy tụ dàn diễn viên trẻ là một điều khá được công chúng quan tâm. Hơn nữa, việc tái hiện lại cuộc đời cũng như những vấn đề riêng tư xoay quanh chuyện tình cảm cũng là một điều tế nhị mà công chúng khá quan tâm, liệu rằng đoàn làm phim sẽ tinh tế đến mức độ nào.

Tính đến thời điểm hiện tại, Em và Trịnh đã phát hành tại các cụm rạp gần hơn 2 tuần. Sau nhiều lần đọc những bài đánh giá có thái độ tích cực, khen nhiều chi tiết cũng như cách làm phim của đạo diễn khiến tác phẩm trở nên đẹp vô cùng. 

Song những ngày gần đây tôi lại thấy bắt đầu rộ lên nhiều bài báo xoay quanh việc danh ca Khánh Ly phủ nhận chi tiết “đút sữa chua” cho Trịnh Công Sơn ăn tại quán cà phê trong phim: “Tôi nói thật chồng tôi, con tôi – Tôi còn chưa đút đừng nói ông Trịnh Công Sơn. Dựng chuyện thì cũng vừa phải thôi, vì họ quên rằng tôi còn sống. Tôi đâu phải như ông Trịnh Công Sơn – người nằm xuống không nói được thì họ muốn nói gì họ nói. Và cả gia đình (nhạc sĩ) để họ nói như vậy là hạ nhục ông Sơn đó”.

Có thể thấy, chỉ một hành động nhỏ nhưng nó lại khiến người xem hoàn toàn nghĩ khác về nhân vật. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của cô Khánh Ly và cho dù nhà làm phim có phân bua rằng phim ảnh chỉ là hư cấu hoặc đại loại như vậy, thì tôi nghĩ mọi người nên nhớ lại bộ phim Chàng Trai Năm Ấy của Quang Huy, bộ phim về ca sĩ Wanbi Tuấn Anh do Sơn Tùng M-TP thủ vai chính. 

Đặt trường hợp nếu Em và Trịnh như Chàng Trai Năm Ấy, nhà làm phim khẳng định “lấy cảm hứng từ cuộc đời và quyển sách về Wanbi Tuấn Anh” thì chẳng sao cả, muốn hư cấu muốn vẽ ra sao cũng được.

Nhưng vì tác phẩm của Phan Gia Nhật Linh mượn cái tứ của đời Trịnh Công Sơn để kể câu chuyện khác hoàn toàn với những gì thuộc về cuộc đời ông, thì tôi lại thấy không đúng. Dẫu rằng phim ảnh có quyền hư cấu nhưng khi làm về đời một nhân vật có thật, thì phải tôn trọng họ (nhất là người quá cố), tôn trọng những người còn sống liên quan và có ảnh hưởng với cuộc đời họ.

Điều này dấy lên một nghi vấn trong tôi rằng liệu những bài đánh giá trước đó, họ chỉ quan tâm bề nổi hay chỉ đang thực hiện chiêu trò “seeding” để quảng bá cho cả bộ phim. Thật sự, dưới một góc nhìn của khán giả chưa từng tiếp xúc quá nhiều hay am hiểu các ca khúc của Trịnh Công Sơn cũng như con người thật của ông, thông qua Em và Trịnh, tôi lại nghĩ ông điển hình là một “trap boy” thật thụ, Khánh Ly lại “vô tư” một cách thái quá.

Có một bài viết ghi rằng: “Chi tiết Khánh Ly đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn ăn là chi tiết đáng yêu, thiết lập mối quan hệ giữa hai người nghệ sĩ / tri kỷ âm nhạc này”. Cá nhân tôi thì lại thấy nó khá suồng sã và hơi thô, không đúng lắm với tính cách của cô Khánh Ly. Thậm chí cái ánh mắt chạm nhau lần đầu giữa Dao Ánh và Trịnh Công Sơn đã khiến tôi nghĩ ông là một người lăng nhăng, vạ đâu yêu đấy.

Bên cạnh đó, danh ca Ướt Mi – Thanh Thúy mới đây cũng đã chia sẻ thật lòng rằng ông Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đưa cô về đến đầu ngõ: “Đó là thời gian mẹ cô mới mất. Cô để tang mẹ, đi hát chỉ mặc toàn áo dài trắng và đen. Cả đời, cho đến nay chưa bao giờ mặc áo sườn xám và búi tóc như thế.” Bà còn rất kị hình ảnh một nam, một nữ đi về trong ngõ hẻm mờ ảo. Đó không phải là cô. Trước khi làm phim họ có nhờ một nhạc sĩ bên này hỏi về trang phục của cô lúc đó. Cô nói hết. Vậy mà cuối cùng họ làm phim như thế. Cô không hiểu được. Đó là một cô gái sành sỏi nào đó chứ không phải ca sĩ Thanh Thuý”.

Đặc biệt, Trịnh Vĩnh Trinh – em gái Trịnh Công Sơn đã lên tiếng chia sẻ rằng: “Đây là phim điện ảnh, hư cấu chứ không phải phim tư liệu nên tôi nghĩ việc “phản ánh chân thực nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” cũng phải hiểu ở khía cạnh tinh thần, cảm xúc chứ không ở các tiểu tiết, như là diện mạo, cao hay thấp, giọng Huế có giống hay không, đó chỉ là hình thức bên ngoài.”

Có thể thấy Em và Trịnh là một thước phim đẹp với những bối cảnh, âm thanh được trau chuốt một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, kịch bản lại quá cẩu thả, khắc họa sai lệch nhiều chi tiết liên quan đến Trịnh Công Sơn khiến các nhân vật ngoài đời thật phải lên tiếng phủ nhận, danh ca Khánh Ly cũng từng khẳng định rằng sẽ không đi xem phim Em và Trịnh: “Tôi đã có một Trịnh Công Sơn thật ngoài đời, vậy cần gì phải xem thêm một hình tượng hư cấu”.

Suy nghĩ về việc phóng tác

Tôi nghĩ không riêng gì Em và Trịnh, mà trước đó vấn đề hư cấu câu chuyện thật cũng đã diễn ra ở thị trường quốc tế. Điển hình có Green Book, tác phẩm đoạt giải Oscar khiến gia đình của Don Shirley thất vọng vì bộ phim làm sai lệch câu chuyện của người nghệ sĩ dương cầm hay The Queen’s Gambit do Netflix sản xuất đã bị kiện chỉ vì chi tiết phim sai lệch với thực tế.

 

Có thể thấy, thị trường Việt Nam còn khá nhẹ tay, họ chưa dám hành động vì công bằng cho gia đình của cố nhạc sĩ. Tôi nghĩ nếu thật sự ảnh hưởng đến danh dự của gia đình và người đã khuất, Em và Trịnh hoàn toàn có thể “ăn” một đơn kiện, phim sẽ bị lỗ nặng. Dẫu rằng là tác phẩm được lên theo hình thức phóng tác. Tuy nhiên xét về mặt lý thuyết, bản chất có thể thay đổi nhưng làm sao không làm mất đi ý nghĩa của cốt truyện ban đầu. 

Nếu muốn, có thể làm hẳn một câu chuyện lấy cảm hứng từ nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng thay tên tất cả các nhân vật trong phim. Vì khi bạn đã quyết định giữa lại hết tất cả họ tên của nhân vật, đồng nghĩa bạn phải làm một bộ phim mà khi xem các nhân vật cảm thấy bản thân không bị xúc phạm hay bôi nhọ danh dự.

 Quả thật sau khi xem Em và Trịnh, bỏ qua yếu tố như bối cảnh, âm thanh, diễn xuất, tôi tự hỏi liệu tác phẩm hư cấu như vậy mà gia đình của cố nhạc sĩ vẫn có thể chấp nhận cho phát hành hay sao? Có thể sẽ có nhiều đối tượng khán giả cho rằng điện ảnh là thuộc phạm trù nghệ thuật mà nghệ thuật thì chỉ nên giải trí và đừng suy xét cặn kẽ quá mức. 

Tuy nhiên cá nhân tôi lại nghĩ ngược lại đã là nghệ thuật thì phải phù hợp và có khả năng lưu truyền, gìn giữ. Đặc biệt càng phải tế nhị và hết sức tinh tế với những sản phẩm được làm lại hoặc tái hiện lại cuộc đời, thân phận của một ai đó, chưa kể họ là người quá cố. Do đó, nếu nhìn ở một góc độ nghiêm khắc hơn, Em và Trịnh không hoàn toàn là tác phẩm hay, nó chỉ dừng lại ở mức đẹp, thẩm mỹ.

Trong phim, vai diễn của Avin Lu cũng giải thích rằng sở dĩ không đến được với Thanh Thúy là do thời ấy cô là một ca sĩ nổi tiếng, có người đưa kẻ rước nên phận như anh nào dám trèo cao. Tạm chấp nhận cho lời giải thích ấy, nhưng đến Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly và Michiko, khiến tôi chợt nghĩ rằng Trịnh Công Sơn có phải là “hậu duệ” của chàng Vi Tiểu Bảo trong phim cổ trang không, hay thời đó cứ 5 thê 7 thiếp mới xứng danh đàn ông?

Trước đó tại buổi gặp mặt thân mật với báo chí, đạo diễn Phan Gia Nhât Linh “than” là đã đi gặp rất nhiều người thân, người quen của Trịnh Công Sơn để trò chuyện, có khi ngồi nói chuyện 3 – 4 tiếng, nhưng lại không đưa được ý nào vào kịch bản hay sao? Tôi thấy họ có đầu tư, nghiên cứu kỹ (theo lời họ nói) về nhân vật này. Vậy tại sao làm nên một Em và Trịnh sai lệch từ hình tượng nhân vật chính tới những người xung quanh như Khánh Ly, Thanh Thuý?

Cá nhân tôi nghĩ người vào vai Trịnh Công Sơn thành công nhất chính là tài tử lừng danh nhất Việt Nam thời bấy giờ: cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh. Theo tôi được biết, thời đó Trịnh còn sống và vừa từ nước ngoài về, không hề biết đến sự tồn tại của bộ phim Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên. Cố nhạc sĩ nói với đạo diễn:

“Tôi đọc báo chí thấy anh làm phim về cuộc đời tôi, tôi sợ quá. Vì ở nước ngoài, người ta toàn lấy nhạc của tôi quay karaoke mà toàn quay mấy em mặc áo tắm uốn éo kinh quá!”. Đến khi xem nửa thời lượng phim, ông gọi bạn bè vào xem cùng và khen: “Đây đúng là bộ phim về tôi, chính tôi chứ không ai khác”.

 

Và tất nhiên Trịnh cũng biết bộ phim hư cấu, nhưng ông rất nhiệt tình quảng bá cho nó:

“Ơ, cái thằng này (Lê Công Tuấn Anh) trông giống tôi ngày bé ra phết. Và cái câu chuyện trong phim cũng giống đời tôi lắm. Nó không phải là tôi nhưng rất giống tôi”. 

Tôi thiết nghĩ, nếu ông còn sống và xem được Em và Trịnh, ông sẽ đánh giá như thế nào nhỉ?

 

Theo: Dienanh.net


4.4/5 - (115 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN