Thứ Ba, Tháng Năm 21, 2024
Trang chủPHIMĐánh giáEm Và Trịnh: Được yêu hay bị từ chối cũng là số...

Em Và Trịnh: Được yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời người

Em Và Trịnh với mình là thước phim đẹp kể lại cuộc đời của Trịnh Công Sơn, dù là hư cấu hay dựa vào cuộc đời thật của cố nhạc sĩ tài hoa.

Phim đẹp và giàu cảm xúc, man mác đâu đó là câu chuyện buồn về đường tình duyên của Trịnh Công Sơn. Như cố nhạc sĩ đã nói: “Được yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá không yêu được chốn này thì yêu nơi khác. Còn yêu thì còn sống, còn được yêu thì còn sống dài lâu.”

Không bàn về kịch bản, nội dung hay diễn xuất trong phim, ở đây mình chỉ chia sẻ cảm xúc của bản thân sau khi thưởng thức trọn vẹn Em Và Trịnh. Đó là trải nghiệm có lạ, có quen và có hồn.

Em Và Trịnh cho mình cái nhìn rõ nét hơn về Trịnh Công Sơn cũng như tâm tư tình cảm của ông, từ lúc còn trẻ hừng hực sức sống với đam mê âm nhạc và các em cho đến lúc hoài niệm cay – đắng – ngọt – bùi tuổi xế chiều.

Em Và Trịnh bắt đầu với cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Trịnh Công Sơn và cô gái người Nhật Michiko. Michiko muốn làm luận văn về hành trình sáng tác âm nhạc lừng lẫy của Trịnh Công Sơn và sau hơn 1 năm kiên nhẫn thuyết phục, ông đã đồng ý. 

Trong quá trình làm việc với Michiko, Trịnh Công Sơn thấy lại toàn bộ cuộc đời của mình, chiêm nghiệm và tưởng nhớ những hỉ – nộ – ái – ố đã trải qua, từ khi còn là chàng nhạc sĩ vô danh đến khi trở thành huyền thoại của làng Tân nhạc Việt Nam. Nguồn cảm hứng lớn nhất thuở sơ khai trong các sáng tác của Trịnh Công Sơn chính là các bóng hồng đi ngang qua cuộc đời ông. Từ Bích Diễm, Dao Ánh, Thanh Thúy, Khánh Ly… tất cả đều mang đến cho Trịnh Công Sơn những trải nghiệm cảm xúc hấp dẫn và tinh khôi.

“Tôi luôn luôn nhớ thương tuổi trẻ, tuổi của tình yêu nồng nàn. Khi tôi yêu thương cái tuổi đời ngào ngạt hương hoa này thì đồng thời tôi cũng yêu một cõi đời tôi đã mất.” – Trịnh Công Sơn.

Tuổi trẻ ấy bằng đầu rạo rực khi Trịnh Công Sơn gặp Bích Diễm, một cô gái con nhà gia giáo, xinh đẹp nhưng nhút nhát. Chỉ 1 lần vô tình nhìn Bích Diễm trong tà áo trắng, Trịnh Công Sơn đã say mê như điếu đổ. Đó cũng là lần đầu ông biết yêu và bắt đầu mang cảm xúc của tình yêu vào âm nhạc với Diễm Xưa, mơ hồ và day dứt.

Thế nhưng chuyện tình đó sớm nở tối tàn khi Bích Diễm dọn lên Sài Gòn học và chuyển sang định cư bên nước ngoài, Trịnh Công Sơn chỉ biết gửi tâm tư thả vào gió. Mà chẳng biết sao, cơn gió nào lại thổi những điều đó vào tâm hồn thơ thẩn của em gái Bích Diễm là Dao Ánh. 

Tình chị duyên em, Trịnh Công Sơn và Dao Ánh phải lòng nhau nhưng họ lại phải yêu xa khi Sơn chuyển lên B’Lao để dạy học. Nỗi niềm yêu thương giữa họ được gửi gắm qua từng dòng thư viết tay chân tình. Rồi cuối cùng chuyện tình đẹp đó lại để lại day dứt đằng đẳng cho cặp đôi đến suốt đời, họ không thể đến được với nhau nhưng cũng chẳng thể quên được đối phương. Kí ức đó ăn mòn họ cả đời và cảm xúc đó làm mình cảm thấy xót xa, luyến tiếc và có một chút chạnh lòng.

“Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nào. Thôi thì đành có nó vậy.” – và đúng vậy thật!

Cả tuổi trẻ của Trịnh Công Sơn đều dành để nhớ nhung, yêu thương Dao Ánh và đến khi gặp Michiko, ông nhận ra sự ngây ngô, thuần khiết của cô có nét tương đồng với Dao Ánh khi xưa. Dù Trịnh Công Sơn không muốn tổn thương Michiko theo cách đó nhưng vô thức ông lại hành động như vậy. Michiko, một lòng thương Trịnh Công Sơn và cái tài của ông, nhưng cuối cùng nhận ra bản thân chỉ ngộ nhận và là người thay thế không hơn không kém. 

Đó là lý do Michiko từ bỏ cuộc tình này một lần và mãi mãi ngay trước khi hôn lễ giữa cô và Trịnh Công Sơn diễn ra. Michiko không hận Trịnh Công Sơn nhưng cô vẫn không thể nguôi ngoai về mối tình này. Thật buồn khi trở thành dòng song nhỏ lướt qua cuộc đời của Trịnh Công Sơn, nhưng chính những con sóng tình trong quá khứ của ông lại đẩy người con gái nhỏ bé ấy ra xa đến biến mất khỏi cuộc đời nhau không một dấu vết.

Một đời người, Trịnh Công Sơn có “lắm mối” nhưng cuối cùng vẫn “tối nằm không”. Nhưng ông không oán trách, mà chọn cách chấp nhận như lẽ thường tình: “Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy. Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: Cuộc sống không thể thiếu tình yêu”.

Xem xong Em Và Trịnh, chính xác thì mình cảm nhận rõ cuộc đời của Trịnh Công Sơn cũng như những triết lý nhân sinh trong một kiếp người. Suy cho cùng thì mấy ai được như Trịnh Công Sơn, cả đời dùng âm nhạc để gặm nhấm nỗi buồn, nhưng ông chưa bao giờ bỏ cuộc hay đầu hàng trước tình yêu. 

Đó là chút cảm nhận của mình về Em Và Trịnh, còn bạn bạn đã xem phim chưa, hãy cho mình cảm nhận nhé.

Theo: Dienanh.net


4.6/5 - (60 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN