Để nói về Elvis (2022), đây là một tác phẩm khá đặc biệt và tạo cho mình nhiều cảm xúc khó tả. Vì sao ư? Vì phim đã vừa khiến mình thăng hoa với âm nhạc nhưng lại “vùi dập” cảm giác của mình về mặt điện ảnh.
Bộ phim là những góc nhìn đa dạng về cuộc đời thần tượng, từ những hào quang trên sân khấu đến cả việc phơi bày cuộc sống thầm kín của cố ca sĩ. Đây là hai yếu tố chính đã kết hợp với nhau để cùng tạo nên một kịch bản Elvis hoàn chỉnh.
Không chỉ đào sâu vào sự nghiệp, ngay cả cuộc đời, những mối quan hệ xung quanh cùng sự ra đi cô quạnh của nam ca sĩ, từng thứ một đã được khai thác tường tận qua sự dẫn dắt mạch lạc của Tom Parker (Tom Hanks) – người quản lý lúc đương thời của Elvis.
Trên phần tổng quan về cuộc đời của anh ấy, mình còn được thấy những cái nhìn thoáng qua về thời thơ ấu của nam danh ca, cách mà âm nhạc người da đen đã đưa anh ấy trở thành một ngôi sao, và cả nỗi chật vật khi Elvis đối diện với khoảng thời gian chính trị bất ổn trong giai đoạn phân biệt và phong trào dân quyền ở Mỹ trỗi dậy.
Nếu một người muốn tìm hiều tất tần tật về tiểu sử của cố ca sĩ, thì có lẽ bộ phim đáp ứng được gần như là tất thảy. Những với mình, người muốn thưởng thức những cái nhìn hay ho và mới lạ hơn về Elvis, không phải những thông tin có thể tìm trên Google thì cảm giác của mình về bộ phim đã bị “khựng” lại đôi chút vì một kịch bản có phần lê thê và kéo dài.
Đầu tiên về phần đạo diễn, Baz Luhrmann có lẽ là một tên tuổi tài ba trong dòng sân khấu nên cách mà ông dẫn dắt Elvis có hơi thiên hướng về loại hình này.
Nếu những tính chất đó chỉ dừng lại trong những phân cảnh về màn trình diễn trên sân khấu thì quá tuyệt vời, nhưng vị đạo diễn của chúng ta lại “lân sân” vô cả những phân cảnh nội tâm nữa, vô hình chung đã làm mình không cảm nhận được nhiều về mặt sâu lắng của bộ phim.
Về phần diễn xuất, quả thật phải dành một lời khen thật lớn cho màn hóa thân quá đỗi xuất sắc của Austin Butler trong vai Elvis. Không hề ngoa khi nói rằng sự nhập tâm của diễn viên đã cứu cánh nguyên cả một sự kịch bản suôn đuột và nhàm chán như vậy.
Khi Butler hát, kỹ xảo điện ảnh tăng lên đã khiến mình gợi nhớ đến những cảnh tượng mà tất cả chúng ta yêu thích trong quá khứ. Đó là những hồi ức về bữa tiệc hoành tráng trong The Great Gatsby hay những cảnh quay được dàn dựng trong Moulin Rouge.
Không vượt qua ranh giới của bức tranh biếm họa hoặc quá mạo danh trong vai diễn, cách mà Butler đã chiếm được cảm tình của mình là phô diễn ra được một hiện thân người đàn ông đang đấu tranh với ước mơ trong khi bị lạm dụng về tinh thần và tài chính bởi một người mà anh ấy tin tưởng.
Baz Luhrmann có lẽ đã sai trong cách phát triển kịch bản nhưng ông ấy lại may mắn lựa chọn được một điểm sáng diễn xuất quá lớn mà Austin Butler mang lại.
Trái ngược với hình tượng đầy điểm nhấn của nhân vật Elvis, nhân vật Đại tá Tom Parker của Tom Hank lại một lần nữa đẩy Elvis vào đường cùng. Dù với màn hóa thân ra dáng nhân vật xưa cũ nhưng mấu chốt là lối khai thác chưa sâu cùng những chi tiết bất hợp lý là điều đáng tiếc mà bộ phim mắc phải.
Xuyên suốt bộ phim, mình không hề thấy được sự lôi kéo hay thuyết phục của Hank hoặc mối quan hệ sâu sắc hơn giữa anh ta và nhân vật của Butler bên cạnh lời hứa về lợi nhuận, nên phần đẩy kịch tính về nhân vật này còn khá mờ nhạt và chưa rõ ràng.
Để nói về quyết định kể câu chuyện dưới góc nhìn của kẻ phản diện, kẻ đã có phần “góp vốn sơ sơ” vào sự ra đi đáng tiếc của cố ca sĩ, thoạt nhìn có vẻ hấp dẫn nhưng khi vỡ lẽ ra thì bộ phim lại không đảm bảo được những hứa hẹn đã đặt ra trước đó.
Tóm lại với mình, Elvis là một trong những trải nghiệm xem mâu thuẫn nhất mà mình đã từng xem. Đây là một sản phẩm thiên hẳn về tôn vinh nên sẽ tạo cho mình những cảm giác bồi hồi về những bản hit kinh điển một thời của tượng đài âm nhạc thế kỷ. Nhưng về mặt tâm lý và cuộc sống nhân vật, Elvis lại không thể thực hiện tốt được yếu tố này.
Theo: Dienanh.net