Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024
Trang chủPHIMĐừng Làm Mẹ Cáu: Những khó khăn khi một người trẻ làm...

Đừng Làm Mẹ Cáu: Những khó khăn khi một người trẻ làm mẹ đơn thân

Hình ảnh những người mẹ đơn thân thật sự đã không còn quá xa lạ trong xã hội hiện nay, nhưng tôi tin không nhiều người có cái nhìn toàn diện, hiểu được những thứ mà người mẹ đơn thân phải đối diện và trải qua. Trên thực tế, có không ít bộ phim truyền hình đã lấy đó làm chủ đề, xây dựng câu chuyện nhưng tôi thấy trường hợp của Đừng Làm Mẹ Cáu là đặc biệt hơn cả. 

Vì Hạnh (Quỳnh Kool) bị hoàn cảnh xô đẩy nên phải bỏ cả tương lai để chăm sóc cho Happi (An Nhiên) và điều này cũng cho khán giả biết được làm mẹ đơn thân khi còn trẻ thì sẽ khó khăn đến mức nào.

>> Xem thêm: Đừng Làm Mẹ Cáu và những bài học quý giá về cách nuôi dạy con cái

Hạnh – một cô gái tưởng chừng như tương lai đang rộng mở, chỉ cần bước 1 bước nữa là có thể sang bên trời Tây thực hiện ước mơ du học. Tuy nhiên, biến cố lại ập đến khiến cho Hạnh phải bất đắc dĩ trở thành mẹ khi chị của cô qua đời. 

Bé Hạnh An dù không phải là con ruột, nhưng đối với Hạnh, bé con là một tài sản vô giá mà cô luôn trân quý. Một người mẹ còn đầy vụng về, phải lăn lộn trên hành trình nuôi đứa con nhỏ hay ốm vặt nhưng cũng rất “bà cụ non” khiến bao tình huống dở khóc, dở cười xảy ra. Trong hành trình ấy, đã bao lần Hạnh bật khóc, vì hạnh phúc cũng có nhưng cũng không ít lần cô khóc vì những buồn tủi mà bản thân đang phải trải qua,

Mẹ đơn thân phải đối diện với rất nhiều áp lực: gánh nặng nuôi dạy con, điều tiếng từ xã hội, áp lực tài chính, không đủ thời gian chăm con nếu mải mê kiếm tiền. Nhưng lớn nhất chính là cảm giác tội lỗi, tự dằn vặt bản thân đã không thể cho con một mái ấm gia đình hạnh phúc. Có những lúc, Hạnh vô tình thốt lên câu hỏi rằng: “Sao khóa học làm mẹ này, mẹ học mãi không xong”.

Hạnh có thể giỏi nhiều thứ, giỏi may vá, giỏi ngoại ngữ, dường như cô ấy rất thông minh và dễ tiếp thu. Tuy nhiên, khóa học làm mẹ lại chẳng dễ dàng như vậy, có những lúc Hạnh mệt mỏi đủ điều vì cô con gái, có những lúc phải rơi những giọt nước mắt nhưng tuyệt nhiên Hạnh vẫn luôn yêu thương Happi

Những lời thoại đắt giá trong phim chính là lý do mà tôi thấy Đừng Làm Mẹ Cáu trở nên thật ý nghĩa: “Công việc và cuộc sống của mẹ suốt 7 năm qua chỉ làm thế nào để con không khóc, con không bị nôn, kịp giờ ăn, kịp giờ chơi. Bây giờ mẹ chỉ muốn làm việc như những người bình thường khác thế cũng không được”. Tôi cho rằng những ai phải nuôi con nhỏ thường xuyên đau ốm sẽ thấu hiểu được hết những lời này của Hạnh. 

Những người mẹ đơn thân thường mang trong lòng những vết thương tinh thần, nếu suy nghĩ tích cực, lâu dài sẽ trở thành nội lực. Những điều đó khiến họ có xu hướng tự làm tất cả mọi việc một mình. Họ gồng mình lên mà không cần sự hỗ trợ của bất kỳ ai. Những người này bên ngoài rất mạnh mẽ, song bên trong thường chịu tổn thương sâu sắc.

Bên cạnh Hạnh, trong phim còn có những người mẹ khác đều lay động cảm xúc của tôi. Từ những người mẹ trẻ như Hạnh, Vy (Quỳnh Lương) đến những người mẹ hết lòng vì con như mẹ của Quân (Nhan Phúc Vinh), mẹ Khôi (Bình An).

Hành trình nuôi nấng những đứa trẻ cùng nỗ lực bù đắp những thiếu thốn, quay cuồng với cơm áo gạo tiền, trả lời triệu câu hỏi vì sao… khiến cho những người mẹ có lúc thấy mệt mỏi, không kiềm chế được cảm xúc và phải gồng lên gánh vác hết mọi việc. 

Sự gồng lên đó cho họ có cảm giác làm được nhiều thứ, nhưng rất khó có được hạnh phúc. Dù có độc lập về tài chính đến đâu chăng nữa, thì sâu thẳm cuộc sống của mẹ đơn thân ít nhiều vẫn mong được sự chở che, luôn yếu đuối trước một ai đó có cùng chung nhịp điệu về tâm hồn với họ.

Đến thời điểm hiện tại, Hạnh vẫn chưa thể nào trở thành một người mẹ xuất sắc nhưng tôi tin cô đã trở thành người mẹ vĩ đại nhất trong mắt Happi. Dù có lúc con không ngoan, con không nghe lời mẹ nhưng tôi mong rằng cả hai mẹ con sẽ hiểu nhau hơn và bù đắp những tổn thương cho nhau.

 

 

Theo: Dienanh.net


Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN