Thứ Bảy, Tháng Chín 21, 2024
Trang chủPHIMTin Tức PhimĐạo diễn Hirokazu Koreeda - "Ozu của điện ảnh Nhật đương đại"

Đạo diễn Hirokazu Koreeda – “Ozu của điện ảnh Nhật đương đại”

Chưa cần chờ tới ngày ra rạp, bộ phim Broker cũng đã cho thấy sức nóng của mình khi liên tục lập kỷ lục phòng vé tại Hàn Quốc và được những người yêu điện ảnh Việt Nam mong chờ. Bên cạnh chiến thắng ấn tượng tại LHP Cannes, cùng dàn sao khủng gồm Song Kang-ho, IU, Bae Doona, Kang Dong-won, thì bộ phim này còn hấp dẫn tôi bởi cái tên Hirokazu Kore-eda – vị đạo diễn tài hoa người Nhật với phong cách làm phim đầy thú vị về thân phận con người giữa những đại đô thị. 

Những năm trở lại đây, Hirokazu Koreeda dường như đang mở rộng biên độ kể chuyện, giúp nó vượt ra ngoài biên giới nước Nhật. Nếu 2 năm trước, ông làm phim The Truth với 3 diễn viên của Pháp và Mỹ thì đến Broker lại lấy bối cảnh ở Seoul cùng dàn sao hàng đầu xứ kim chi. Thế nhưng, điều đó không thể khiến Broker vượt ra khỏi phạm trù điện ảnh của Koreeda được. Ông vẫn kể những câu chuyện về thân phận bị bỏ rơi, đứng bên lề xã hội. 

Broker khai thác một chủ đề mà tôi cho rằng khá táo bạo, baby boxes – những em bé sơ sinh không được thừa nhận và bị bỏ rơi trong những chiếc hộp ngoài bệnh viện ở thủ đô Hàn Quốc. Rõ ràng đây không phải là một vấn đề quá mới nhưng lại luôn gây sốc khi được đem lên màn ảnh rộng và kể trước công chúng. 

Những vấn đề mang tính xã hội được ít người quan tâm trong các đại đô thị xưa nay vẫn luôn là chủ đề mà đạo diễn Koreeda quan tâm xuyên suốt sự nghiệp hơn 30 năm của mình. Trước khi đến với điện ảnh, vị đạo diễn sinh năm 1962 từng có ước mơ trở thành một tiểu thuyết gia. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở thành trợ lý đạo diễn cho một đài truyền hình, đây cũng là điểm khởi đầu khiến ông khao khát trở thành một nhà làm phim. 

Khởi nghiệp với những bộ phim truyền hình, viết kịch bản cho phim tài liệu, nhưng sau đó, vị đạo diễn người Nhật nhanh chóng khiến giới mộ điệu thế giới phải chú ý nhờ bộ ba phim khai thác chủ đề xã hội chấn động ở Nhật Bản. Phim đầu tay của ông là Maborosi (1995) được giới phê bình phương Tây coi là nhân tố mới ảnh hưởng đến Làn sóng mới những năm 90 tại đất nước mặt trời mọc. 

Bộ ba phim gồm Maborosi, After Life (1998), Distance (2001) khai thác vấn đề nhức nhối của xã hội bằng ánh nhìn đầy thấu hiểu qua triết lý Phật giáo, khiến nội dung trở nên bớt cực đoan hơn. Distance kể về việc hàng loạt vụ tự kết liễu và cách mà những người thân của nạn nhân vượt qua mất mát. Đây cũng là bộ phim đầu tiên Koreeda tranh giải Cành Cọ Vàng ở Cannes.

 

Sau bộ ba phim ấn tượng này, tôi để ý Koreeda lia góc máy của mình, zoom cận vào những gia đình với biến cố và sự kết nối hết sức lạ lùng. Năm 2004, Nobody Knows kể về câu chuyện của 4 đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi ở Tokyo. Chúng sống trong căn hộ nhỏ, đứa bé lớn nhất là Akira thay bố mẹ chăm sóc các em. Bộ phim dựa trên một bi kịch có thật từng xảy ra năm 1988 và kết quả là mọi người phát hiện ra sự tồn tại của 4 đứa trẻ quá muộn, khiến cho em bé nhỏ nhất đã tạ thế, còn 3 bé còn lại suy dinh dưỡng nặng. Bộ phim mang về cho nam diễn viên chính Yuya Yagira (14 tuổi) giải Nam chính xuất sắc nhất và trở thành người trẻ nhất trong lịch sử LHP Cannes từng được nhận giải.

Năm 2013, bộ phim Like Father, Like Son cũng là một tác phẩm ấn tượng kể về cặp vợ chồng phát hiện con trai 6 tuổi thực ra không phải con ruột của họ. Hai đứa bé đã bị hoán đổi từ lúc mới sinh. Doanh nhân Ryota phải đấu tranh để lựa chọn con thật và người con mà ông nuôi nấng nhiều năm qua. Bộ phim truyền tải thông điệp nhẹ nhàng về cách làm sao để trở thành cha mẹ tốt và cách mà chúng ta dành tình thương cho người thân của mình. 

Đến Shoplifter, một câu chuyện quen thuộc trong những tác phẩm của Koreeda – cách những đứa trẻ vượt qua tổn thương để trưởng thành được nâng lên một tầm cao mới và giành chiến thắng với Cành Cọ Vàng tại Cannes. 

Bộ phim khai thác những thân phận nghèo đói tại đại đô thị Tokyo. Gia đình của cặp vợ chồng trung niên Osamu làm những công việc thất thường, thu nhập quá thấp và phải sống ở một thành phố đắt đỏ. Họ nuôi một đứa trẻ 12 tuổi, một cô em gái thất nghiệp cùng bà nội già nua với khoản lương hưu hạn hẹp để chu cấp cho sinh hoạt tối thiểu của gia đình 5 người. Vì quá thiếu thốn mà Osamu đã dạy con nuôi là Shoto “chôm” đồ trong siêu thị. Sau đó, họ nhận nuôi thêm một bé gái 5 tuổi vì thấy hoàn cảnh của cô bé quá đáng thương và rồi tiếp tục nuôi dạy đứa trẻ này như cách Shota lớn lên. 

Không cần những câu chuyện lớn lao tầm vóc vĩ mô, cũng chẳng có bất cứ cảnh giật gân, nảy lửa, hồi hộp nào. Koreeda lược bỏ toàn bộ những kịch tính, tiết chế tối đa cảm xúc nhân vật, ngay cả những đoạn cao trào nhất, dùng ít thoại nhất có thể nhưng vẫn khiến tôi phải hoà vào cảm xúc của những nhân vật qua những hành động, cử chỉ và không gian đầy sự tĩnh lặng. Cảnh “động” nhất của ông có chăng cũng chỉ là những bước chân thấp thểnh của các nhân vật nhưng vẫn đủ để người xem khắc khoải theo nỗi đau của từng người. 

Cách kể chuyện của Koreeda nhẹ nhàng, tinh tế và dịu dàng qua những góc máy tĩnh, không di chuyển quá nhiều. Tôi thích điều này bởi một phần bộ phim tạo nên không khí dễ chịu, để đôi mắt của khán giả được cảm nhận sự giao hoà giữa con người và thiên nhiên. Một phần khác, chính sự tĩnh lặng lạ thường này, khiến tôi tập trung hơn vào biểu cảm, ánh mắt, nét mặt nhỏ nhất của từng nhân vật, để hiểu họ mà không cần phải nói quá nhiều. 

Lối kể chuyện tiết chế cảm xúc nhưng vẫn làm người xem nghẹn lòng của Koreeda làm tôi liên tưởng đến phong cách làm phim của Yasujiro Ozu – vị đạo diễn đại tài của Thời kỳ Hoàng Kim Điện ảnh Nhật bản những năm 50. Những khung hình của Ozu chẳng những tĩnh lặng, đẹp tựa tranh nghệ thuật mà còn ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa, nhân văn cùng trăn trở của nhà làm phim về gia đình và bản chất con người. Vì thế mà Koreeda được ví như người kế thừa di sản của Ozu hay nói một cách mỹ miều hơn, ông chính là Ozu của điện ảnh Nhật Bản đương đại. 

 

Luôn trăn trở về những phận đời bên lề xã hội, khao khát kể câu chuyện bình dị về gia đình, con người qua lăng kính dịu dàng, tinh tế nhất, Korede đã khiến cho khán giả phải ám ảnh, suy nghĩ cùng mình suốt hơn 3 thập kỷ qua. Và sắp tới, tôi tin rằng ông sẽ tiếp tục khiến những người yêu điện ảnh phải rơi nước mắt và suy tư khi thưởng thức bộ phim Broker. 

 

Theo: Dienanh.net


4.3/5 - (155 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN