Thứ Tư, Tháng Năm 22, 2024
Trang chủPHIMĐánh giáĐánh giá phim Vợ Ba ngoài những cảnh nóng vẫn còn nhiều...

Đánh giá phim Vợ Ba ngoài những cảnh nóng vẫn còn nhiều điểm chưa hay

Tính đến thời điểm này thì có lẽ “Vợ ba” là phim có tiếng nhất ở Việt Nam trong năm nay. Bộ phim hội tụ đủ các yếu tố thu hút dư luận: có yếu tố nước ngoài, được giải thưởng quốc tế, cảnh nóng gây tranh cãi. Thế nên không có gì ngạc nhiên nếu phim thành công về mặt thương mại, dù rằng nhà sản xuất luôn định hình phim là phim nghệ thuật.

“Vợ ba” đẹp ở nhiều góc cạnh.

Dù rằng màu phim không được trong sáng như phim của Trần Anh Hùng nhưng phim cũng khai thác rất tốt cảnh thiên nhiên, nhiều góc máy đẹp, nhiều khung cảnh nên thơ và gợi cho người ta nhiều suy ngẫm. Màu phim có chút mù mờ sương khói, nhưng hoàn toàn có thể lý giải đó là chủ ý nghệ thuật của đạo diễn cho phù hợp với câu chuyện. Mình nghĩ nếu được xem ở rạp thì cái cảm nhận về sự đẹp này sẽ nhiều hơn.

Sự đẹp không chỉ dừng ở cảnh mà cả ở phần tạo hình, phục trang của phim: Rõ ràng các nhân vật mặc quần áo đủ màu nhưng không bị chói mắt, quần áo cũng phù hợp với các bối cảnh khác nhau và làm nổi bật được nhân vật. Thêm nữa âm thanh trong các cảnh, như tiếng nước chảy, tiếng lá bay, tiếng gió, vv cũng chỉn chu và cẩn thận. Có thể nói rằng dù Trần Anh Hùng chỉ là cố vấn của phim nhưng “Vợ ba” có rất nhiều dấu ấn của anh.

Dấu ấn “Vợ ba” ở những điểm yếu

Nhưng dấu ấn của Trần Anh Hùng thể hiện rõ nhất không phải ở những điểm đẹp của phim, mà ở điểm yếu.

Điểm yếu rõ ràng nhất, là giọng thoại của các diễn viên.

Lại phải nhắc thêm lần nữa rằng dù Trần Nữ Yên Khê có gương mặt chuẩn phụ nữ Bắc Bộ tần tảo lam lũ thì chất giọng lơ lớ của chị vẫn tố cáo chị là người nước ngoài, đáng tiếc chị lại là nàng thơ của Trần Anh Hùng nên phim nào có chồng mình chị đều có nhiều thoại, nhiều đến mức gây khó chịu.

Ngoài ra, nếu nói Trần Anh Hùng thực ra là người Pháp nên có thể du di cho việc anh lựa diễn viên nói giọng đủ các vùng miền thì việc đạo diễn Ash Mayfair của phim này, một người sinh ra lớn lên tại Việt Nam, dù đã đổi tên đổi quốc tịch đi chăng nữa, dùng các diễn viên nói giọng Nam Bắc lẫn lộn trong một bối cảnh cục bộ là khó chấp nhận. Sự thiếu tinh tế trong xử lý thoại của phim còn được thể hiện ở các phân cảnh giường chiếu, khi tiếng thở của các nhân vật được đẩy lên quá to so với biểu cảm gương mặt không có biến hóa nhiều, vừa xem là thấy ngay tiếng thở được cắt ghép một cách vụng về.

Cùng với phần giọng thoại “sai sai” này là lời thoại. Dù cũng như phim của Trần Anh Hùng, “Vợ ba” tiết chế thoại đến hết mức nhưng số ít những câu thoại nhiều chữ nghĩa của phim vẫn quá “Tây”, quá lạ, như thể được viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp rồi dịch sang tiếng Việt.

Điểm yếu thứ hai của phim là cốt truyện quá cũ.

Khuôn viên một gia đình quyền quý ở một vùng nông thôn ẩn chứa những chuyện tình cấm kị. Bạn có thấy motip này quen không? Dương như phim ảnh về quá khứ của mọi quốc gia, đặc biệt là châu Á, đều có những motip na ná như thế này. Bạn có thấy câu chuyện về một cô gái trẻ bị gả làm vợ bé quen không? Nó có giống với “Đèn lồng đỏ treo cao” không? Motip thì giống nhưng ở “Đèn lồng đỏ treo cao” mọi mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm trong khi ở phim này các mâu thuẫn khá hời hợt và bị làm quá.

Điển hình của sự làm quá này là phản ứng dữ dội của Sơn khi bị bắt lấy vợ. Một người đàn ông tâm sinh lý bình thường, thậm chí còn dám lên giường với vợ lẽ của bố mình, thế mà lại dọa tự tử khi bị bắt lấy vợ? Nếu cậu ta yêu sâu sắc người phụ nữ khác, cậu ta có thể phản đối cuộc hôn nhân, có thể không chạm vào người vợ, thờ ơ với cô ta, nhưng một người nam được nuôi dưỡng trong xã hội phong kiến nam tôn nữ ti tam thê tứ thiếp sẽ không “ăn vạ” như đứa trẻ ham chơi bị mẹ kéo đến lớp học chỉ vì bị bắt cưới một cô vợ chưa quen biết như thế.

Tương tự, việc Mây định giết con ở cuối phim vì cảm thấy làm phụ nữ khổ quá lại càng quá đà. Nếu kịch bản để Mây gặp nhiều khổ ải hơn là phải lấy một người đàn ông mình không yêu, ví dụ bị đày đọa, bị hắt hủi, vv thì việc này hợp lý. Nhưng thực tế cô Mây khi lấy chồng được cả gia đình nhà chồng cưng như vàng, vợ cả vợ hai chiều chuộng, giúp đỡ, chia sẻ bí quyết phòng the, chồng yêu chiều, đến bố chồng và con riêng của chồng cũng quý mến, thì tại sao lại cảm thấy bế tắc đến mức muốn giết con mình chỉ vì số phận bất hạnh của một người phụ nữ khác?

Điểm yếu thứ ba của phim, là áp đặt “góc nhìn thuộc địa” lên phim.

Mình lý giải về góc nhìn thuộc địa ấy qua một vài chi tiết. Rõ ràng nhất là việc chọn diễn viên mặt búng ra sữa để đóng vai các cô gái trẻ. Ở thời phong kiến, không cứ là ở Việt Nam hay châu Á mà kể cả ở châu Âu thì chuyện tảo hôn là chuyện khá bình thường, nếu không muốn nói là hiển nhiên (Juliette yêu Romeo lúc mới 14) thế nên vào thời đó người ta không xem một cô gái 14 tuổi, như Mây, hay như Tuyết, là trẻ con mà là thiếu nữ. Ở tuổi đó vào thời kì đó các cô gái đã phải đảm đương bếp núc, thậm chí làm ruộng làm vườn rồi, không còn là đứa trẻ được nuôi trong phòng ấm nữa.

Cho rằng “mấy đứa bé con đã bị bắt phải làm vợ” là cái nhìn của người Pháp thực dân đối với xứ Đông Dương còn chưa “văn minh” bằng mẫu quốc, hoặc của chúng ta khi nhìn về quá khứ. Thế nên khi khắc họa sâu vào sự non nớt như trẻ nhỏ của nhân vật, phim vô tình tạo ra cái nhìn lệch với thực tế thời kì đó. Đơn cử như khi cô bé Nhàn có kinh lần đầu, em rất bình tĩnh ngồi tại chỗ và nói “Cuối cùng cũng có rồi mẹ ạ”. Đó mới là thái độ hợp lý của nhân vật trong bối cảnh.

Thứ nữa, phim ít tập trung vào cốt truyện

như mình đã nói qua ở trên, phim tập trung vào cảnh vật, trang phục, đồ dùng, vào những phong tục có phần kì lạ, kì dị (ví dụ như húp quả trứng sống trên bụng người phụ nữ trong đêm tân hôn), vào việc diễn giải tập tục hơn là vào cốt truyện và sự phát triển của nhân vật. Đôi khi trong phim lại có một chi tiết quá Tây, ví dụ cảnh chị em phụ nữ trong nhà trải thảm ngồi picnic trên cỏ. Cảnh tượng như thế có khác gì mấy bức tranh hội hè của các tác giả phương Tây? Do đó nó mang dáng vẻ của một bộ phim “giới thiệu”, làm dưới góc nhìn của người phương Tây, để cho người phương Tây xem.

Nếu là người Việt Nam lần đầu xem một bộ phim như vậy, bạn sẽ rất hào hứng và thích thú, nhưng có lẽ chỉ đến bộ phim thứ ba thôi bạn sẽ thấy ngán món ăn “giới thiệu” này đến tận cổ. Nó cũng như không thể ngày nào cũng ăn bánh chưng, trong khi ta có bánh rán, bánh gối, bánh xèo, bánh nậm và trăm ngàn loại bánh khác để thưởng thức.

Bạn có thể thắc mắc, tại sao phim lại được khen nhiều, được giải thưởng quốc tế, nếu những chê bai của mình là hợp lý? Mình nghĩ có ba lý do cho sự thành công ở nước ngoài của phim:

Thứ nhất, như đã nói ở trên, phim rất đẹp. Nghệ thuật làm phim không chỉ có phát triển cốt truyện, và thực tế trao giải thương phim ảnh cũng cho thấy các phim đẹp dễ thắng giải.

Thứ hai, phim phù hợp với góc nhìn và thị hiếu của khán giả phương Tây đối với phim phương Đông, thỏa mãn được nhu cầu “tìm hiểu thêm” về văn hóa Việt Nam của khán giả.

Thứ ba, phim đụng đến những vấn đề đang được quan tâm nhiều là nữ quyền và cộng đồng LGBT, những nội dung mấy năm gần đây thắng giải nhiều và ít bị tranh cãi do quan ngại về tính đúng đắn chính trị (Political Correctness).

Nhìn chung mình thấy đây vẫn là một phim khá ổn nếu đạo diễn không “cố đấm ăn xôi ” dùng một diễn viên trẻ em cho cảnh nóng, một việc mà mình thấy là không cần thiết phải làm.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN