Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024
Trang chủPHIMCuộc Đời Vẫn Đẹp Sao và loạt phim Việt về những mảnh...

Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao và loạt phim Việt về những mảnh đời lam lũ

Mình xem phim Việt và để ý thấy các nhà sản xuất ngày càng chú tâm vào những kịch bản mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là những câu chuyện thực tế về tình người, về ý chí của những mảnh đời lam lũ. Chẳng phải kịch bản tình tiền thù hận quá gay cấn, chỉ cần khai thác câu chuyện cuộc đời của tầng lớp lao động nghèo cũng đủ thu hút khán giả. Cùng mình điểm qua một vài tác phẩm mang đến cho người xem những cảm xúc đặc biệt như thế nhé. 

Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao 

Ngay khi vừa lên sóng, bộ phim Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao của đạo diễn NSƯT Danh Dũng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Theo cảm nhận của riêng mình thì đó là những thước phim rất đời, kể về cuộc sống của nhóm người lao động nghèo trú ngụ ở khu chợ nghèo. Loạt cảnh quay trong Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao hoàn toàn khác với nhiều câu chuyện nơi chốn phồn hoa hay sự tranh giành quyền lực giữa tình tiền và thù hận. 

Xem phim, khán giả có thể thấy được phần nào cuộc sống của những người làm nghề cửu vạn, bốc vác và làm thuê tại các chợ đầu mối. Đó là chị Luyến (Thanh Hương), làm việc ngày đêm để thay nhà chồng trả nợ. Đó là bà Tình (NSƯT Thanh Quý) vì thương con dâu mà chẳng thể làm gì khác cũng chỉ biết ngày ngày đội thúng bánh rán đi bán rong khắp các con đường.

Đó là anh Lưu (NSƯT Hoàng Hải) – ông bố đơn thân thẳng tính với mong muốn con trai thành tài… Ở đó còn có những con người tìm đủ nghề để mưu sinh giữa phố phường tấp nập như Điền (Tô Dũng), như Bình (Minh Cúc), mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh nghèo khó. 

Họ đều làm những công việc lúc đêm hôm, rạng sáng, để khi trở về nghỉ ngơi cũng chỉ là túp lều dựng tạm, dột nát. Mình nhận thấy tất cả như vẽ nên một khung cảnh thiếu thốn, hoang tàn. Từng con người tô điểm cho bức tranh ấy cũng đều là một màu sắc khác nhau. Tuy có những lúc xô xát, mâu thuẫn nhưng mình thấy những con người nơi xóm chợ nghèo đều chân thật, chất phác và chẳng làm hại ai bao giờ. 

Thậm chí trong nghịch cảnh, họ lại nhận ra được giá trị của nhau, sự tốt đẹp của đối phương khi được san sẻ phần nào gánh nặng. Bạn cứ để ý mà xem, từ lời thoại, hành động cho đến những cảnh quay nơi xóm chợ nghèo, bộ phim đã cho thấy những giá trị nhân văn sâu sắc của những mảnh đời “sần sùi” ấy. 

>>Xem thêm: Muôn kiểu bố đơn thân “hết nước chấm” ở phim Việt

Dẫu nghèo khổ nhưng mình thấy khát vọng sống, sự lạc quan của con người khi đứng trước nghịch cảnh được miêu tả rất rõ trong phim đấy nhé. Dù quá khứ có thế nào, hiện tại có ra sao thì họ vẫn không từ bỏ khao khát vươn lên để sống tốt hơn. Và điều quan trọng hơn nữa là những con người ấy chưa bao giờ “mất chất”, vẫn lương thiện và tử tế với nhau.  

Mẹ Rơm

Mẹ Rơm là một bộ phim đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả truyền hình qua những cảnh quay mang đậm tình người. Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Phương Điền lấy bối cảnh từ một làng quê nghèo khó, vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh. Mình còn nhớ trong phim, mỗi nhân vật đều có số phận đáng thương. Mà đâu chỉ là nghèo khổ, có người còn chẳng được may mắn khi mang một hình hài không nguyên vẹn. 

Mình còn nhớ rất rõ hình ảnh anh Mô “gù” (Thái Hòa), dù tật nguyền nghèo khổ, nhưng vì tốt bụng, vì lòng trắc ẩn mà phải “gà trống nuôi con”. Thậm chí, Mô sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đưa con không cùng huyết thống. Hay Loan “khờ” (Huỳnh Hồng Loan) cũng chẳng mấy khi được thông minh, tỉnh táo. 

Và ở nơi làng quê nghèo ấy vẫn còn vô vàn những phận đời bất hạnh khác như bà Năm “mù” sống bằng nghề đan lát nhưng luôn yêu thương, giúp đỡ Mô “gù”, cô Hồng (Ngọc Lan) bị người yêu cũ “xí gạt” mà phải lên thành phố làm gái “bán hoa”…

Không chỉ khai thác góc nhìn từ những mảnh đời bất hạnh, mà ở Mẹ Rơm, mình còn thấy tình phụ tử cao cả và thiêng liêng. Diễn xuất của dàn cast thực lực đã khiến mình khóc rất nhiều khi xem phim đấy ạ. Mẹ Rơm thật sự là câu chuyện về tình yêu thương đã sưởi ấm, chữa lành, cảm hóa nhiều người với những suy nghĩ chưa đúng đắn. 

>>Xem thêm: Thanh Hương và sao nữ phim Việt không chải chuốt màu mè vẫn ghi điểm

Cát Đỏ 

Khác với Cuộc Đời Vẫn Đẹp SaoMẹ Rơm, mình thấy rất rõ khát khao thay đổi số phận của những mảnh đời bất hạnh trong Cát Đỏ. Bộ phim của đạo diễn, NSƯT Lưu Trọng Ninh khai thác về đề tài “những người khốn khổ” ở vùng cồn cát Bình Thuận đầy nắng gió. Mình đã theo dõi từng tập với câu chuyện cuộc đời xoay quanh số phận ba người phụ nữ: Đủ, Nhớ và Nhan. Mỗi người trong số họ đều có những nỗi đau, nỗi uất hận trong lòng. 

Nhớ (Thúy Diễm) chạy trốn khỏi xưởng nước mắm với cái thai trong bụng. Nhan (Nguyễn Hoàng Thúy Nga) trốn khỏi nhà khi mới 13 tuổi vì bị cha dượng dở trò. Đủ (Trinh Tuyết Hương) có con với ông Tư nhưng không thể kết hôn vì lời thề với vợ quá cố của ông Tư. Mỗi cô gái một nghịch cảnh trớ trêu, để rồi luôn cháy bỏng với khát khao thay đổi chính mình. 

Những câu chuyện tình trong Cát Đỏ cũng được khai thác đến tận cùng của yêu thương, ghen tuông, thù hận, nhớ nhung… Xem phim mình tưởng chừng họ cứ an phận sống qua ngày ở vùng cát đỏ cằn cỗi, nhưng sâu thẳm bên trong mỗi người là khát khao thay đổi số phận. Bạn biết không, họ đã dám hành động, đấu tranh, vượt qua một hành trình dài để tìm hạnh phúc.

 Mỗi thước phim đều khắc họa rõ nét câu chuyện cuộc đời của những mảnh đời nghèo khổ. Họ có nỗi lòng của riêng họ, nhưng không vì nghịch cảnh mà mất đi niềm tin vào cuộc sống, vào một tương lai tươi sáng. Thành công của những bộ phim trên phải kể tới nội dung kịch bản ấn tượng và diễn xuất của dàn cast chất lượng. Bạn nghĩ sao về đề tài này? 

 

 

 

Theo: Dienanh.net


Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN