Là bộ phim zombie đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, nhưng trái với bao hứa hẹn từ nhà làm phim thì mình lại nhận được một kết quả khá ê chề khi thưởng thức tác phẩm “kinh điển” này.
Vẫn theo motif quen thuộc của dòng phim đại dịch zombie, Cù Lao Xác Sống là câu chuyện về về cuộc hỗn loạn của đại dịch thây ma ở khu vực miền Tây sông nước. Khi này con người ta ra sức tháo chạy để tự cứu lấy mạng sống chính mình.
Nhân vật chính trong phim là Công (Huỳnh Đông) – một thầy thuốc nhưng dần mất lòng tin trong cuộc sống và dần trở nên thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Trong khung cảnh đầy rẫy những thây ma, Công đã để lạc mất cha và con gái của anh. Hành trình phim lúc này sẽ đi theo chân Công để tìm lại người thân. Trong lúc đó thì anh cũng gặp được một số người cùng hoàn cảnh, dù xa lạ nhưng giữa ranh giới sống còn, họ buộc phải nương tựa nhau để tìm ra lối thoát cho tất cả.
Như mình đã nói, ngay từ đầu thì mình đã không hề ấn tượng với cốt truyện như vậy của Cù Lao Xác Sống bởi nó quá khuôn mẫu. Mình đã coi hàng tá bộ phim zombie với câu chuyện tương tự như thế rồi, nên việc xem lại một lần nữa cốt truyện cũ mèm như vậy và không có bất kỳ điểm đột phá nào thì thật sự khiến mình ngao ngán.
Rõ ràng, đại dịch và thảm họa là đề tài dạo gần đây rất được lòng người xem như mình nên việc các nhà làm phim nắm bắt được tâm lý của khá giả mà đánh mạnh về yếu tố này là một điểm tốt. Nhưng đi liền với xu hướng thì luôn kèm theo những thách thức về sự độc đáo, khác biệt giữa các bộ phim với nhau. Và Cù Lao Xác Sống không vượt qua được thách thức đó, khi bộ phim không hề mang lại cho mình một cảm giác mới mẻ nào.
Thậm chí mình còn thấy phần kịch của phim còn nham nhở khi mọi vấn đề đều mơ hồ, không đầu cũng chẳng đuôi. Đến nổi xem hết 96 phút phim mình cũng không hiểu rõ được bộ phim đang muốn nhấn mạnh vào yếu tố gì, rồi những con người trong đó sẽ khống chế đại dịch kia bằng cách nào khi nhà làm phim chẳng hề đưa ra một phương pháp triệt để nhằm giải quyết vấn đề.
Về tuyến nhân vật, mình biết rõ hỗn độn là tinh thần cần có của một bộ phim zombie. Nhưng cái hỗn độn ở đấy là bởi khung cảnh lẫn dòng thây ma đang chực chờ. Còn ở Cù Lao Xác Sống, ngay từ việc phân chia trình từ xuất hiện của dàn nhân vật bằng cách giới thiệu họ một cách đầy gượng ép, sau đó lại tập hợp những cá thể không liên quan gì với nhau nhưng cuối cùng cũng chẳng có sợi dây liên kết nào trong tuyến nhân vật của bọn họ. Điều đó đã dẫn đến tình trạng chẳng nhân vật nào nổi bật lên được, ngay cả Công – nhân vật chính cũng trở nên mờ nhạt và không nhất quán.
Làm mọi thứ không tới nhưng Cù Lao Xác Sống lại mắc thêm một lỗi về việc tham lam, muốn dồn ép thật nhiều thứ vào bộ phim nên đã gây cho mình cảm giác khá khó chịu. Vừa muốn thể hiện được sự khủng hoảng của đại dịch, vừa thể hiện sự nhân văn trong lúc con người đối diện với tử thần, vừa muốn truyền bá văn hóa dân tộc miền Tây sông nước qua những ca từ cải lương, còn “bonus” thêm những phân đoạn hài hước nhưng chính sự sơ sài lại làm tất cả những yếu tố trên đều phản tác dụng.
Về phần bối cảnh cũng chẳng khá khẩm gì hơn, mình thấy toàn bộ bộ phim chỉ xoay quanh những khung cảnh đơn giản về bãi đất trống, những con đường làng. Và chưa thật sự có một bối cảnh nào hiệu quả để đẩy sự cao trào lên đỉnh điểm. Bối cảnh như vậy nên việc không khí phim bị trùng xuống rất đáng kể.
Một vấn đề nữa là việc mình nhận thấy sức nguy hiểm của những zombie trong đây không cao. Một phần là do phần tạo hình chưa đủ ấn tượng, phần khác nữa là do những góc quay chậm đã làm giảm bớt sự đe dọa mà chúng mang lại. Ta nói coi tới đoạn zombie xuất hiện mà nhịp phim không được đẩy nhanh lên, thậm chí còn có xu hướng như phim Ấn Độ với những cú bắt trọn cảm xúc của nhân vật dài như Cô Dâu 8 Tuổi luôn.
Về phần diễn viên, mình khá thích cách mà đạo diễn Nguyễn Thành Nam dùng những gương mặt thực lực thay vì những tên tuổi bảo chứng phòng vé cho bộ phim của anh. Và đây cũng chính là điểm sáng duy nhất mình thấy ở bộ phim lần này. Dù tuyến nhân vật chưa được nổi bật nhưng ở mỗi phân đoạn thì các diễn viên cũng hoàn thành được khá ổn tinh thần của mình. Đặc biệt là Lê Lộc, cô nàng có nét diễn khá duyên dáng, thể hiện được nội tâm của nhân vật qua khía cạnh mẹ chồng nàng dâu cùng nghệ sĩ Thanh Hằng.
Tóm lại, mình cũng khá bất ngờ khi đạo diễn Nguyễn Thành Nam dám tiên phong trong việc chọn một đề tài “khó xơi” như vậy với nền điện ảnh Việt Nam. Nhưng có lẽ anh còn vướng khá nhiều khó khăn trong việc truyền tải ý muốn của mình. Và Cù Lao Xác Sống là một bộ phim chưa đủ tốt để có thể trụ vững trên trường đua phòng vé hiện giờ.
Còn bạn, có suy nghĩ gì về bộ phim thì hãy để lại bình luận bên dưới nhé.
Theo: Dienanh.net