Nhắc đến bộ phim Kim Dung kinh điển nhất, Nhật Nguyệt đoán nhiều người sẽ gọi tên Anh Hùng Xạ Điêu bản 1983 của TVB. Phim kinh điển đến mức nào? Chính là có sự góp mặt của hàng chục đại minh tinh hàng đầu Hồng Kông, được tất cả các đài truyền hình của đại lục góp tiền để mua bản quyền phát sóng, là khởi đầu giấc mộng võ hiệp của rất nhiều đứa trẻ thuộc thế hệ 7x, 8x và 9x…
Và đằng sau một bộ phim như thế là cả quá trình đóng góp không biết mệt mỏi của đoàn làm phim, từ diễn viên cho đến nhân viên hậu trường cùng những câu chuyện mà chẳng phải ai cũng biết được.
1. Phim được làm dựa vào ý kiến khán giả
Nghe thì vô lý nhưng thật ra lại rất thuyết phục. Vào năm đó, TVB phải đối đầu với sự phát triển mạnh mẽ của ATV. Trong khi đối thủ có Đại Hiệp Hoắc Nguyên Giáp hay Trần Chân hot rần rần thì TVB lại chẳng thể có được bộ phim võ hiệp xuất sắc của riêng mình. Nhà đài dự định sản xuất Anh Hùng Xạ Điêu nhưng lại lo lắng sẽ gặp thất bại, thế là họ quyết định gọi điện thoại cho khán giả, lập bảng bình chọn để trưng cầu ý kiến.
Kết quả, có đến 70% người xem ủng hộ kế hoạch sản xuất Anh Hùng Xạ Điêu. Con số khủng ấy tựa như liều thuốc tăng lực, khiến TVB đổ dồn toàn bộ tiền bạc vào quá trình sản xuất, dám mời hàng loạt ông lớn trong làng phim như giám chế Vương Thiên Lâm hay chỉ đạo võ thuật Trình Tiểu Đông từng nhiều lần nhận giải Kim Tượng, “đệ nhất biên kịch Hồng Kông” Trần Kiều Anh, biên kịch vàng Trương Hoa Tiêu…
2. Quách Tĩnh chọn trong chớp mắt, Hoàng Dung lựa từ 3000 giai nhân
Giám chế Vương Thiên Lâm vốn đã tham gia cả trăm bộ phim lớn nhỏ khác nhau, thừa hiểu tầm quan trọng của việc chọn diễn viên, thế nên ông rất coi trọng khâu này.
Ngay khi vừa nhận kế hoạch quay Anh Hùng Xạ Điêu, ông liền nghĩ ngay đến Huỳnh Nhật Hoa. Quách Tĩnh trời sinh trung hậu, thật thà, còn Huỳnh Nhật Hoa vốn tính hàm hậu giản dị, sống rất có nề nếp. Thế là ông đặt lịch hẹn gặp tài tử họ Huỳnh.
Ngay khi vừa mặt chạm mặt, Vương Thiên Lâm liền quyết định: “Cậu diễn vai Quách Tĩnh đi, chỉ cần giống như bình thường là được“. Sự lựa chọn của Vương Thiên Lâm cũng nhận được sự ủng hộ của phóng viên nổi danh khi ấy là Lý Bích Hoa: “Ngoài Huỳnh Nhật Hoa, cả đất Hồng Kông này chẳng ai diễn được vai Quách Tĩnh“.
Chọn Quách Tĩnh thì dễ dàng là thế nhưng Hoàng Dung lại khó vô cùng, như người cố vấn Nghê Khuông nhận định: “Hoàng Dung chính là linh hồn của Anh Hùng Xạ Điêu“.
Đáng tiếc là tìm khắp dàn diễn viên TVB năm đó, chẳng ai có thể làm vừa lòng Vương Thiên Lâm. Cuối cùng, nhà đài đành phải tổ chức cuộc thi casting.
Ngay từ vòng đầu tiên, có đến hơn 3000 cô gái trẻ, xinh đẹp đến nhà đài để đăng ký ứng tuyển. Sau nhiều vòng chọn lọc thì còn 5 ứng cử viên sáng giá nhất là Tư Mã Yến, Lương Vận Nhụy, Lưu Hồng Phương, Hàn Tiểu Hồng và Ông Mỹ Linh.
Trong lần casting cuối cùng, người ta còn mời tác giả Kim Dung đến làm giám khảo. Mình nghe nói, ngày hôm đó, Ông Mỹ Linh đã bẻ một cành liễu, làm một cú lộn nhào đến trước mặt Kim Dung rồi ôm quyền nói: “Con gái đảo chủ đảo Hoa Đào, Hoàng Dung bái kiến Kim đại hiệp“. Ngay khoảng khắc ấy, Kim Dung liền quyết định: “Cô ấy chính là Hoàng Dung mà tôi muốn tìm“.
3. Dàn diễn viên phụ đều là tương lai của điện ảnh Hồng Kông
Ngoài Huỳnh Nhật Hoa, Ông Mỹ Linh và Miêu Kiều Vỹ, dàn diễn viên phụ của Anh Hùng Xạ Điêu 1983 cũng đều là những “tai to mặt lớn” của Hồng Kông sau này. Ví dụ như Ngô Mạnh Đạt đóng vai Bành trưởng lão của Cái Bang, Châu Tinh Trì vào vai quần chúng vô danh, Âu Dương Chấn Hoa thì hóa thân thành người hầu, Lưu Gia Linh là tì nữ, Ngô Trấn Vũ đảm nhận nhân vật người canh cổng, Quan Lễ Kiệt là con trai của Thành Cát Tư Hãn…
Nhật Nguyệt còn từng đọc được ai đó nói đùa thế này: “Chẳng có bộ phim nào như Anh Hùng Xạ Điêu cả, cứ 1 cảnh phim là lại xuất hiện một đại minh tinh“. Mình tán thành nhé.
4. Người bị tổn thương Ông Mỹ Linh lại làm thương tổn người khác
Chỉ đạo võ thuật của Anh Hùng Xạ Điêu là Trình Tiểu Đông, cái tên nhiều lần nhận giải Kim Tượng, Kim Mã trong lĩnh vực hành động. Nghe tên ông thôi là chúng ta có thể đoán được các cảnh đánh võ trong phim sẽ khó khăn đến nhường vào. Ông Mỹ Linh dù có thể nhào lộn, nhưng vẫn là người mới chưa có kinh nghiệm gì nên lại càng vất vả hơn. Kết quả là trong một cảnh đối đầu, cô bị thương ở mắt trái.
Ai mà ngờ được, sau khi Ông Mỹ Linh lành lặn thì cũng là lúc cô khiến bạn diễn Miêu Kiều Vỹ phải băng mắt. Nội dung cảnh diễn khi ấy là Hoàng Dung cầm Đả Cẩu Bổng đọ chiêu với Dương Khang. Ông Mỹ Linh vung tay thế nào mà đầu gậy tiếp xúc với mắt trái của Miêu Kiều Vỹ, thế là bác sĩ của đoàn phim lại có thêm việc để làm.
5. Ngựa chỉ có 2 con nhưng váy cho Hoàng Dung lại hơn 10 bộ
Nói nhà sản xuất Anh Hùng Xạ Điêu 1983 phóng khoáng thì chẳng đúng, bởi cả đoàn phim năm ấy chỉ có đúng 2 con ngựa và 10 con dê để quay những cảnh ở đại mạc. Tuy nhiên, bảo họ keo thì cũng không chính xác, bởi đoàn phim năm ấy dám chi tiền khủng chỉ để nhập khẩu máy tạo tuyết từ Nhật Bản, thiết kế đến tận 10 bộ váy cho nhân vật Hoàng Dung.
Theo thống kê thì váy áo của Hoàng Dung có màu sắc rất đa dạng, hồng, tím, vàng đều đủ cả, mỗi bộ lại phối với một cảnh phim hay giai đoạn riêng.
Chẳng phải mỗi trang phục của Hoàng Dung được chăm chút mà dàn diễn viên năm đó cũng được sự quan tâm chu đáo của nhóm phục trang. Ví dụ như trang phục của người Kim hay Mông Cổ đều có sắc thái rất riêng và tạo sức ảnh hưởng đến tận các tác phẩm sau này.
Nhiều bạn trẻ sau này không hiểu tại sao Anh Hùng Xạ Điêu bản 1983 lại thành công và sở hữu nhiều fan đến thế. Nhật Nguyệt cho rằng dù kinh phí khi đó eo hẹp, công nghệ phim ảnh cũng chẳng được như bây giờ, nhưng chính lửa đam mê với nghệ thuật, sự cống hiến hết mình cho màn ảnh của cả đoàn phim đã giúp họ khắc phục khó khăn của thời đại, tạo nên tác phẩm trường tồn với thời gian.
Theo: Dienanh.net