Chủ Nhật, Tháng Mười 6, 2024
Trang chủPHIMTin Tức PhimCần biết gì trước khi xem Em và Trịnh để không phải...

Cần biết gì trước khi xem Em và Trịnh để không phải “bơi” trong rạp?

Mang màu sắc cổ điển như một xu thế thịnh hành trong phong cách sống của giới trẻ ngày nay, Wukong nghĩ Em và Trịnh là một trong những phim điện ảnh Việt Nam mong chờ nhất ở giai đoạn này. Không chỉ nhờ câu chuyện ngôn tình của nghệ sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn với mỗi nàng thơ, mà còn là những khung hình gợi nhớ về một Việt Nam đã từng trải qua thời cuộc đầy chông gai, khiến biết bao người hoài niệm.

Tuy nhiên, sẽ có một vài chi tiết trong phim mà Wukong nghĩ hầu hết mọi người sẽ bỡ ngỡ và gãi đầu tự hỏi “tức là sao” hoặc “vì sao phải làm vậy”. Ở bài viết này, mình sẽ phân tích và nêu ra những điểm cần biết để giúp mọi người có thể tiếp cận Em và Trịnh một cách dễ dàng hơn. 

Lưu ý bài viết sẽ có tiết lộ nội dung phim, nếu bạn không quan tâm hoặc đã xem rồi thì cùng mình tìm hiểu nhé. Sẵn sàng nào!

Trịnh Công Sơn thời niên thiếu ra sao?

Trịnh Công Sơn sinh năm 1939, nguyên quán ở Thừa Thiên, ông sống cùng mẹ và 7 người em (Trịnh Quang Hà, Trịnh Xuân Tịnh, Trịnh Vĩnh Thúy, Trịnh Vĩnh Tâm, Trịnh Vĩnh Ngân, Trịnh Hoàng Diệu, Trịnh Vĩnh Trinh). Trong cả hai bộ phim Em và Trịnh, Trịnh Công Sơn, Wukong đã được thấy cả 5 người em gái xuất hiện, ngoại trừ 2 người em trai của ông.

Là một nghệ sĩ tài hoa, Trịnh Công Sơn trải qua một thời niên thiếu bình dị, gần gũi. Thuở biết yêu, anh chỉ là một chàng thư sinh với dáng vẻ mộc mạc, chân chất nhưng lại cực kỳ si tình, ngại ngùng, luôn yêu sự duy mỹ cũng như nắm bắt những cái đẹp vốn có. 

Theo Wukong được biết, thời điểm lúc ông bắt đầu “crush” Bích Diễm cũng là lúc tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, neo đậu trong Trịnh Công Sơn, ông biết cầm đàn làm nhạc và những tác phẩm cũng bắt đầu ra đời nhiều hơn. Bên cạnh đó, thi ca, hội họa cũng là một trong những “tài lẻ” của ông.

Bích Diễm – Dao Ánh, mối tình vấn vương với Trịnh

Trong dàn thơ nữ của Trịnh Công Sơn, Bích Diễm và Dao Ánh là hai nhân vật quan trọng đối với thanh xuân của ông. Có thể nói Bích Diễm là cô gái đầu tiên khiến những rung động bắt đầu nảy nở trong cảm xúc người nghệ sĩ vào một chiều mưa phùn trên đất Huế, còn Dao Ánh mới là chân tình đậm sâu, ánh hướng dương buộc ông luôn dõi theo, tương tư về.

Cả hai người là chị em ruột của nhau, con gái của Ngô Đốc Khánh. Đã vào Huế sống cùng cha những năm 1952, mặc dù cả hai đều gốc Hà Nội. Tuy sau này có Khánh Ly, Michiko “đi ngang” cuộc đời của ông, nhưng mình nghĩ ít ai biết rằng, hình ảnh của Bích Diễm và Dao Ánh vẫn luôn neo đậu một vị trí nhất định trong lòng Trịnh Công Sơn.

Hội bạn Tuyệt Tình Cốc gồm những ai

Trong phim, các nhân vật trong hội bạn thân của Trịnh Công Sơn đều là những bậc anh tài “cầm – kì – thi – họa”: Định Công, Bửu Ý, Văn Đỗ, Ngô Kha, lần lượt được thủ vai bởi Việt Hưng, Hà Quốc Hoàng, Din Phạm và Samuel An. Không chỉ sở hữu tài năng với những món nghề làm thơ, dạy học, hội họa mà độ “visual” của các anh cũng không chê được đâu.

Trong nhóm bạn, Định Công được xem là “nguyệt lão” se duyên Trịnh Công Sơn với hai cô em họ của mình (Bích Diễm – Dao Ánh). Hơn nữa, tại buổi hộp đêm ở Đà Lạt, chính anh cũng là người tạo cơ hội cho Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, Định Công là một người mê hội họa. Bửu Ý là một nhà thơ đại diện cho thế hệ vàng của Văn học Nghệ thuật tại Huế, Văn Đỗ là chàng trai có vẻ ngoài gai góc nhưng tâm hồn lại rất nhạy cảm, có tài điêu khắc. Cuối cùng là thầy giáo Ngô Kha với tâm hồn bay bổng và cực kỳ phản đối chiến tranh.

Nguồn gốc của tên gọi “Nữ hoàng chân đất” – Khánh Ly

Là tri âm trong âm nhạc, Khánh Ly (tên thật là Lệ Mai) luôn sát cánh cùng Trịnh Công Sơn khi hòa tấu các bản tình ca của hai người. Hai tâm hồn đồng điệu đã trao những ca từ và cũng chính vì giọng hát đặc biệt, Khánh Ly mau chóng lọt vào “mắt xanh” của Trịnh Công Sơn tại một hộp đêm ở Đà Lạt.

Trong phim, có một phân đoạn cả hai cùng hát tại Quán Văn, nơi dành cho các nghệ sĩ trình diễn văn nghệ tại Sài Gòn, trước giờ diễn Khánh Ly luôn hồi hộp, lo lắng vì cô mãi ám ảnh quá khứ bị người khác từ chối (theo lời của nhân vật) nên lúc đứng trên sân khấu, cô đã đột ngột cởi giày và đi chân đứng trước khi hát khiến Trịnh Công Sơn hoang mang.

Nếu như bạn nào đã xem rồi chắc không khỏi hoang mang giống Trịnh đâu nhỉ. Đây là chi tiết có thật ngoài đời, bởi vì giày quá cao, một phần cũng đang trong trạng thái hồi hộp, lo lắng không biết khán giả đón nhận mình ra sao, Khánh Ly quyết định cởi giày ra để mọi thứ thoải mái và nhẹ nhàng hơn khi hát. Thương hiệu “nữ hoàng chân đất” đã ra đời như thế.

Nàng thơ xứ hoa anh đào quen biết Trịnh

Trong phim, cô gái người Nhật – Michiko quen biết Trịnh khi cô đang ở độ tuổi đôi mươi, còn nghệ sĩ chúng ta đã vào giai đoạn “xế chiều” ngoài 40. Đây là mảnh ghép cuối cùng, cũng quan trọng không kém Dao Ánh vì cô là người tưởng chừng sẽ tạo nên hạnh phúc gia đình của anh, tuy nhiên vì một số lý do mà đã bỏ đi trong đám cưới.

Mục đích ban đầu của cô khi tiếp cận với Trịnh Công Sơn là để hoàn thành chương trình luận văn nghiên cứu âm nhạc phản chiến. Chính từ đây, họ đã có những cuộc trò chuyện, giúp Trịnh Công Sơn hồi tưởng lại từng dòng ký ức về thời niên thiếu cùng những bóng hồng khác.

Huế – Đà Lạt – Sài Gòn – Paris

Bối cảnh chính xuyên suốt câu chuyện của Em và Trịnh trải dài từ Huế, Đà Lạt cho đến Sài Gòn và Paris, theo giai đoạn từ những năm 60 đến cuối năm 80, đầu 90. 

Tuổi trẻ của Trịnh Công Sơn bắt đầu tại Huế: từ tình yêu cho đến các sáng tác đầu tiên. Tuy nhiên thời cuộc đưa đẩy, vì muốn tìm một giọng ca và tâm hồn đồng điệu nên đã quyết định lên Đà Lạt để thực hiện sứ mệnh đó, đây là nơi đã giúp âm nhạc của ông thăng hoa cùng Khánh Ly. 

Sài Gòn chính là nơi dành cho một Trịnh Công Sơn với tâm hồn tự tại, không lo nghĩ nhiều. Cuối cùng, là một Paris hoa lệ mang linh hồn trẻ của người nhạc sĩ trở lại.

Theo: Dienanh.net


4.2/5 - (178 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN