Trong một tối rảnh rỗi, mình quyết định xem phim There Will Be Blood. Chỉ cần nhìn cái tên phim cũng biết phim sầu thảm, bi lụy với mấy chú già da trắng ngồi buồn buồn, rầu rầu. Đến cả cái tone phim cũng xám xịt, đục ngầu như bầu trời mùa mưa. Trong bài review phim There Will Be Blood có tiết lộ nội dung, bạn cân nhắc trước khi xem.
Phim được đánh giá khá cao, 8.2 IMDb và 91% tươi trên Rotten Tomatoes
Nội dung phim There Will Be Blood
Về phần nội dung, phim There Will Be Blood kể về công cuộc gầy dựng sự nghiệp thăng trầm của ông chú Daniel Plainview (Daniel Day-Lewis) trong lĩnh vực khoan dầu. Hành trình làm giàu của ông chú có lên voi, có xuống chó, có đổ máu, có thu hoạch, có nỗ lực không ngừng, có niềm tin bất diệt, có cô đơn, có hạnh phúc thoáng chốc, có mọi cảm xúc thông thường, cũ kỹ của trong một motif phim dạng này. Cú twist lật mặt ở đây là Daniel Plainview là một nhân vật phản diện theo đúng nghĩa phản diện, và đối thủ khiêu chiến với ổng cũng là một nhân vật phản diện nốt.
Mình từ chối chấp nhận coi Daniel Plainview là một kẻ xấu từ đầu. Đối với mình, There Will Be Blood giống như một Breaking Bad phiên bản điện ảnh vậy. Plainview ngay từ đầu đã xây dựng được thiện cảm trong mình. Ai mà có thể ghét một phu đào vàng chân chính bị tai nạn lao động nhưng vẫn kiên cường lết vài dặm đường với cái chân gãy để đổi vàng ra tiền? Daniel Plainview bắt đầu sự nghiệp của mình với hai bàn tay trắng, ông ta tự làm mọi thứ và đặt nền móng cho cuộc đời mình bằng lao động cực nhọc, bằng kinh nghiệm của bản thân được đánh đổi bằng mồ hôi, máu và cả sự may mắn của mình lại, tạo lập ra một công ty khoan dầu.
Sự nghiệp càng thăng hoa, Plainview càng đổ đốn. Không giống như Walter White, cái sự mất dạy của Plainview không có chuyển biến từ từ qua căng thẳng, đổ vỡ của đạo đức và sự đấu tranh tư tưởng chi hết, những biến cố trong cuộc đời Plainview chỉ là một cái cớ để cái sự xấu ấy tràn ra, tự nhiên như thể làm người xấu là nghề của ảnh từ hồi nảo hồi nào, chỉ là mình không có biết. Khán giả cũng không biết được cội rễ cho cái nguồn xấu xa đó của Plainview mà chấp nhận đi cùng với nó như bản chất và cuộc đời của nhân vật.
Xây dựng tuyến nhân vật độc đáo
Nghe mình miêu tả, chắc nhiều người nghĩ Plainview là nhân vật phản diện trong truyện tranh, làm gì có ai ác như vector một chiều như thế chứ? Mình chẳng biết nữa, sự tồn tại của Daniel Plainview có cái gì đó rất siêu thực mà mình đã nghĩ vượt lên trên giới hạn của một người bình thường. Ngay cái phút đầu, khi ảnh vượt khó, vượt đau để kiếm tiền, Daniel đã tự đặt mình khác biệt so với phần còn lại của thế giới, cái phần mà ngồi đặt đít ăn bắp uống coca trên giường rồi bình phim như đúng rồi là mình đây.
Khi Daniel xuất hiện khi đã là chủ một doanh nghiệp và có màn thuyết trình về “thương hiệu” khoan dầu gia đình nhà mình, đó là sự xuất hiện của một người tự chủ và thích kiểm soát mọi việc xung quanh. Góc quay dồn cận mặt Daniel Day-Lewis với sự từng trải, tự tin và có vẻ gì đó hơi cao ngạo và sắc lạnh, trong khi bài quảng cáo thì vẫn cứ đều đều và từ tốn. Mình rất thích giọng của Daniel Day-Lewis, mình không hiểu sao. Mình cảm thấy đó là một giọng nói mình có thể tin cậy được, là giọng nói của một người biết mình đang làm, muốn làm gì và bằng mọi cách sẽ đạt được nó. Nhưng cùng với một giọng nói đó đi theo suốt chiều dài bộ phim và cuộc đời của Daniel Plainview, Daniel Day-Lewis khiến mình chán ngán, ghét bỏ và sợ hãi giọng nói đó, mặc dù mình vẫn bị cuốn hút bởi giọng nói và nhịp điệu của câu từ. Mình không biết diễn tả sao cho chính xác, cứ như thể Plainview sử dụng giọng nói để kiểm soát chính bản thân và kiểm soát người khác, và dù cho rằng mình có cố xa lánh, mình cũng không thể thoát ra được.
Daniel Day-Lewis có một màn trình diễn ngoạn mục, từ giọng nói, cơ mặt, cử chỉ và ánh mắt, tất cả đều là khoảnh khắc của diễn xuất đỉnh cao. Nhân vật Plainview có thể không có gì quá đặc sắc: tham lam, dối trá, mị dân, ích kỷ, tàn nhẫn, máu lạnh, hiếu thắng, độc đoán trộn lẫn bên trong một con người cô độc đến cùng cực cùng sự giận dữ, oán hận khôn nguôi dành cho chính bản thân mình và cho mọi người xung quanh. Plainview biết mình là một con người tệ hại, ổng cũng tự thừa nhận cái sự xấu xí trong nhân cách của mình với gã em trai giả hiệu. Bao nhiêu sự xấu xa, bỉ ổi và ác độc trong mấy cái góc khuất , ngóc ngách của bản thân, Plainview đều rõ mồn một, ảnh không bao biện, chối bỏ hay cố thay đổi nó, thế nhưng Plainview cũng không thể chấp nhận nó và vì thế, ông ghét bản thân mình. Ông ghét bản thân mình và vì ông nghĩ bất cứ ai trên cuộc đời này cũng đều xấu xa như mình, ông ghét tất cả bọn họ.
Plainview không cần phải trả treo từng đồng dollar nhỏ xíu vô nghĩa đối với ông nhưng là gia tài với những người nông dân nghèo khổ bán đất khác; Plainview không cần phải hứa lèo và cướp giây phút được lên đồng của Eli Sunday ngày “khai trương” giếng dầu; Plainview không cần phải đuổi cùng giết tận gã mạo danh em trai ông kia, gã cũng chỉ muốn kiếm một công việc và nào đã lừa gì của ông… Như cảnh cuối cùng, khi Eli tới gặp, hạ mình, cầu xin, Daniel có nhất thiết phải làm cái điều ông đã làm? Không, Daniel không phải làm bất cứ những điều đó, nhưng sự ích kỷ, hèn mọn, đố kỵ cùng sự thù hận cùng cực của bản thân khiến ông không thể không làm thế.
Plainview ghét tất cả mọi thứ, thậm chí thứ duy nhất còn níu kéo Plainview với cuộc đời là H.W cũng bị ông thù hằn cuối phim, như một tiếng chuông báo hiệu nhân vật đã hoàn toàn ở trong cõi khác, không còn ở ranh giới con người nữa. Bảo là nhân vật hoạt hình cũng đúng.
Như đã nói, bản thân nhân vật Daniel Plainview không quá đặc sắc, chỉ là một nhân vật phản diện xấu tánh, không phải là chuyện gì kinh thiên động địa. Chính Daniel Day-Lewis khiến nhân vật đặc biệt. Màn hóa thân của Day-Lewis khiến mình ngạc nhiên. Cái nghiêng đầu, ánh nhìn nơi khóe mắt, cú tát lật mặt Eli, đôi môi trề ra và co giật ở bãi biển, sự bàng hoàng sau cú nổ, gương mặt rực sáng vì tham vọng khi nhìn giàn khoan cháy rụi, sự giận dữ hòa lẫn trong nhục nhã, hối hận và cắn rứt trong buổi lễ ở nhà thờ, sự khinh miệt, tức tối hòa lẫn với nỗi buồn của sự cô độc trong đoạn đối thoại cuối cùng với thằng con trai hay cuối cùng, sự thăng hoa trong nhân vật Daniel Plainview được nâng cấp ở màn điên loạn cuối cùng.
Những chi tiết kinh điển trong phim There Will Be Blood
Khi câu thoại kinh điển “I drink your milkshake” vang lên, Daniel Day-Lewis đặt một dấu mốc mới cho diễn xuất. Ngôn từ, ngôn ngữ hình thể, sự điên loạn, giận dữ, độc địa, bất chấp khiến Daniel Plainview trở nên vô cùng đáng sợ. Diễn xuất của Day-Lewis và Paul Dano làm nên cảnh quay ngoạn mục đó.
No Country for Old Men thắng Oscar cho phim xuất sắc nhất nhưng chính cảnh quay cuối cùng của There Will Be Blood mới là cảnh quay hay nhất trong năm. Nó là tượng đài, là một trong những trích đoạn mà người ta sẽ còn quay trở lại, phân tích, theo dõi, ngưỡng mộ, bởi nó vượt xa mọi giới hạn thông thường của diễn xuất. Phân đoạn có sự khôi hài cả về hình thể, câu thoại và biểu cảm nhân vật nhưng khán giả không thể cười bởi sự căng thẳng, dồn nén trong tâm lý nhân vật cứ được xây cao lên dần, để rồi khi nó vỡ tung, mọi thứ bể nát thành sự sợ hãi, là đoạn kết không thể tránh khỏi cho cả hai nhân vật. Nếu có bất cứ ai khác ngoài Daniel Day-Lewis và Paul Dano diễn đoạn đó, mọi thứ có thể rẽ sang một hướng mới toanh với đoạn kết mắc cười và tào lao nhất có thể.
Khi đứng bên cạnh một Daniel Day-Lewis quái vật diễn xuất, người ta thường bỏ lơ mất Paul Dano. Đóng vai Eli Sunday, đối thủ duy nhất có thể thực sự thách thức Daniel Plainview, Paul Dano cũng có một vài phân đoạn xuất sắc bất ngờ, xuất sắc hơn những gì viện hàn lâm nhìn nhận. Ai cũng biết Javier Bardem sẽ thắng Oscar cho vai nam phụ nhưng ít nhất Dano cũng xứng đáng được một đề cử. Trong một bộ phim mà Daniel Day-Lewis là ngôi sao sáng, là trung tâm, là món chính, là ông hoàng đêm tiệc, Paul Dano không chỉ diễn tròn vai, anh còn khiến thiên hạ không thể quên nhân vật của mình và ghim guốc nó với cái gật đầu đồng thuận về tài năng của diễn viên.
Khi mới xuất hiện, nam thanh niên Eli Sunday chỉ là một anh nông dân mộ Chúa quá mức bình thường. Cùng với sự lớn mạnh của Plainview và mấy mỏ dầu kếch xù của ảnh, sự nghiệp làm cha cố của Eli cũng nhanh chóng được lên hương. Nói gì thì nói, người ta cần tài năng nhất định để làm được cái điều mà Eli làm. Eli là người duy nhất có thể khiến cho Daniel Plainview mất kiểm soát trong giọng nói của mình, một dấu hiệu của việc mất sự tự chủ trong tình huống và cảm xúc của một kẻ độc đoán và thích áp đặt như Plainview luôn thể hiện. Trong cảnh nhà thờ, Eli trả thù Plainview bằng cách tước bỏ địa vị và sự thống trị của Daniel bằng việc bắt ông này quỳ xuống. Nhân danh Chúa, Eli tát, tạt nước, chửi thẳng mặt Daniel một cách không khoan nhượng trước mặt toàn thể người dân xung quanh, những người dân mà Daniel đã hứa lèo và lặng lẽ khinh thường, khiến ông này nhục nhã, bị áp đảo, giận dữ và bất lực. Nhưng tệ nhất, Eli nhẫn tâm đánh vào điểm yếu nhất của Daniel: H.W. Vào cái thời điểm đó, Daniel Plainview vẫn còn chút lòng tử tế với thằng con trai xui xẻo và việc Daniel đã làm khiến một người xấu xa như ông thực lòng cắn rứt và đau khổ. Eli đánh vào điều duy nhất Daniel tổn thương, nó không chỉ là sự hối hận, là tình cảm cha con thân thiết hơn Daniel tưởng, Eli còn khiến Daniel vượt lên trên sự ngạo mạn và tham vọng của bản thân, bắt buộc thừa nhận mình phạm sai lầm, mình yếu đuối, mình tầm thường. Eli khiến Daniel thừa nhận nó không phải để khiến ông nhẹ nhõm hơn, nó là sự sỉ vả, trách móc và bêu rếu mà Daniel không thể nào quên và tha thứ.
Chính hành động kém khôn này của Eli dẫn tới phân đoạn cuối cùng, nơi một lần nữa Daniel Plainview mất kiểm soát chính bản thân và sự tự chủ vốn có. Trong vị thế của một con người sỡ hữu mọi thứ nhưng lại chẳng còn gì ngoài sự ghê tởm dành cho bản thân mình, còn cơn giận thì cứ ngày càng chất chồng với ngôi nhà lạnh lẽo, Daniel dường như chỉ sống để chờ trả thù Eli. Và như cái lần đi đòi nợ năm nào, Eli Sunday luôn chọn cái khoảnh khắc kém duyên, kém sang và kém may mắn nhất để gặp Daniel Plainview. Đôi lúc mình nghĩ đâu đó vẫn còn những điều tốt đẹp trong Plainview, mình nghĩ màn tuyệt giao của H.W sẽ là đòn kết liễu cuối cùng cho số phận của nhân vật. Nhưng không, Daniel Plainview không sống bằng tình thương, ông sống bằng sự hận thù, đối đầu và đánh bại kẻ khác. Daniel sống để chờ đợi cái ngày Eli Sunday bước tới gặp ông, thừa nhận với ông rằng gã cũng giống y như ông, một kẻ chỉ biết yêu bản thân mình và sống bằng lừa lọc và vụ lợi. Và khi đã giải quyết xong ân oán tình thù, Daniel Plainview mới thở phào nhẹ nhõm, mới “sống” trọn vẹn một kiếp người chuyên làm việc ác. “I’m finished”.
Paul Dano có rất nhiều khoảnh khắc để “tỏa sáng”. Màn mạo Chúa ở nhà thờ, tiếng la hét đớn hèn khi bị Daniel tát lật mặt, cảnh rửa tội ở nhà thờ khi Eli dồn ép Daniel nói ra điều khiến ông ta đau khổ nhất, khi mà biểu hiện bên ngoài chỉ là một cha cố hết mình hết lòng vì con chiên tội lỗi nhưng giọng nói thì pha lẫn sự hung hăng, hả hê và cả nụ cười nhạo báng khi tưởng mình đánh bại được Daniel. Và phân đoạn cuối cùng, khi sự sợ hãi chân thật không rõ đến từ Eli Sunday sợ hãi Daniel Plainview hay Paul Dano sợ hãi Daniel Day-Lewis, chính sự co rúm, nhu nhược và yếu hèn của nhân vật Eli trước cơn giận dữ bất ngờ, chập cheng và chết chóc của Daniel như hai luồng cảm xúc bổ khuyết lẫn nhau và xây nên sự căng thẳng, nén chặt trong không khí nhuốm mùi tanh của máu của phân đoạn. Nếu diễn xuất của Dano không vững, màn hóa thân của Day-Lewis chưa chắc đã đạt tới chuẩn mực đó. Sự đối đầu và co kéo giữa hai nhân vật phản diện Eli và Daniel tạo nên một phần câu chuyện và đẩy nhân vật Daniel Plainview tới góc cuối cùng không thể cứu vãn của nhân cách và cũng là hoàn thiện cho mọi khía cạnh của một nhân vật.
Một câu chuyện buồn…
Bên cạnh diễn xuất, There Will Be Blood xây dựng một bộ phim với cốt truyện khá buồn ngủ (nếu mình tỉnh táo đong đếm lại tình tiết) thành một tác phẩm hấp dẫn nhất định. Giống như nhân vật Daniel Plainview, cho dù biết rõ nhân vật xấu xa và thù hằn, mình vẫn không thể rời mắt của Day-Lewis. Và cho dù biết rõ There Will Be Blood tang thương và buồn phiền, một khi đã bắt đầu, mình cũng không thể ngừng xem được.
Bộ phim có sự đậm đặc trong xây dựng không khí chung, cái nền riêng của bộ phim. Nó giống như không khí của vùng sa mạc mà mấy cái giếng dầu đóng đô ở đó: nóng bức, khô cằn, bực bội và cái chết lảng vảng ở khắp nơi như tumbleweed vậy. Sự đối đầu của sức người với thiên nhiên, sự tàn nhẫn và giản đơn khi cái chết “ập xuống đầu” những con người tội nghiệp, những người nông dân ngu ngốc và cả tin trước Chúa và trước gã tư bản bần tiện Daniel Plainview, sự thoái hóa dần đều của nhân cách và giá trị đạo đức của các nhân vật, bản thân phim There Will Be Blood có một hơi thở thê lương và buồn phiền ngay từ khi Day-Lewis chường mặt trên màn hình. Sự khắc nghiệt của cuộc sống nghèo nàn, bế tắc khi bị trói buộc giữa đức tin và cái sự đói khổ, thứ đã khiến Paul Sunday không ngại ngần bán rẻ quê hương mình cho Plainview để chạy trốn tới một tương lai khác, sự khắc nghiệt ấy được miêu tả thong dong trong những cảnh quay bao quát và giàu ẩn ý.
Trái lại, sự mong manh của số phận con người thì được đặc tả dồn dập và cô đọng hơn. Mình nhìn sự sóng sánh của dầu và như cảm thấy được cái mùi ngạt thở của nó, mình nhìn cái chết chênh lệch nhau trong khoảnh khắc mà không có lấy một khoảng lặng để tưởng nhớ và đau buồn, mình nhìn giàn khoan cháy rực giữa đêm với sự hoảng loạn và sợ hãi bởi vì đó không phải chỉ là sự sụp đổ của một bộ máy, mình nhìn những người xung quanh Daniel đến rồi không thể ở lại, tất cả mọi chi tiết gây chán nản và buồn phiền tưởng như nhàm chám ấy hóa ra lại rất hấp dẫn trong bộ phim.
… những đầy ý nghĩa
Về tên gọi của bộ phim “There Will Be Blood”, thứ mình nhìn thấy nhiều hơn có lẽ là dầu, thứ vàng đen sóng sánh được đánh đổi bằng bao nhiêu máu và sinh mạng con người. Những giếng dầu, giàn khoan to đùng kia như một biểu tượng chết chóc, của rủi ro, của lường gạt nhưng nó cũng như một biểu tượng của hy vọng, của sự thay đổi, của tương lai. Dầu cũng quý như máu vậy. Khi mình ngồi ngẫm nghĩ lại chi tiết khi Daniel hạnh phúc biết bao nhiêu khi biết mình có một gã em trai cùng cha, trong khi gã đã có một thằng con trai H.W gắn bó suốt bao nhiêu năm qua, đó là bởi chính Daniel là người coi trọng máu mủ. H.W tuy có ngoan và thương gã, nó cũng vẫn không bao giờ quý giá bằng người em trai có nửa dòng máu của Daniel chảy trong người. Chính sự coi trọng về huyết thống ấy thổi bùng lửa giận trong Daniel khi biết mọi thứ gã hy vọng và tin tưởng chỉ là vớ vẩn và dối lừa. Và đương nhiên, cảnh cuối cùng, khi khán giả được hứa hẹn về một bộ phim máu me và chết chóc, khán giả được xem một bộ phim máu me và chết chóc (mặc dù không có ghê gì hết). Như vậy là có ba tầng ý nghĩa trong từ “blood” mà đạo diễn đã lập ra (hoặc mình tự bịa ra theo chuẩn bình văn thơ hồi cấp ba), và nó khiến bộ phim thêm “sâu sắc” và hàn lâm hơn bao giờ hết.
Đánh giá phim There Will Be Blood là một bộ phim kinh điển, bởi không chỉ sau 10 năm, 20 năm hay 50 năm sau, người ta vẫn sẽ nhắc về nó. Nếu không phải ra đời năm 2008 và cạnh tranh với No Country for Old Men, There Will Be Blood có nhiều khả năng thắng Best Picture trong các năm khác. Như năm ngoái hay năm nay chẳng hạn, Green Book hay Parasite không là gì khi đứng cạnh There Will Be Blood cả. Thậm chí The Shape of Water cũng chỉ là hàng chợ. Bản thân mình nghĩ There Will Be Blood là một bộ phim trọn vẹn, sâu sắc, chỉnh chu, có này có nọ, chỉ là không thực sự không có nét riêng đặc biệt khi xét về tổng thể một bộ phim. Cái sự nổi bật táo bạo và đáng nhớ nhất của nó đến từ diễn xuất của Daniel Day-Lewis và cả bộ phim xoay vần xung quanh cái màn diễn xuất chói sáng đó, đối với mình như thế khiến bộ phim không cân bằng giữa diễn xuất, kịch bản và đạo diễn. Mình không biết nữa, There Will Be Blood còn thiếu một chút gì đó để cái phần sến súa và hay rầu rĩ của mình yêu quý nó. Mình đánh giá cao tác phẩm, trân trọng tài năng của diễn viên. Xem lại? Không. Chắc chắn không.