Nhót (Thu Trang) là người phụ nữ… còn trinh và ế chồng ở tuổi 39. Cô hành nghề ăn cắp vặt. Nhót sống với người cha đơn thân sớm tối say sưa rượu chè là Xỉn (Thái Hòa). Vì cảm thấy khó có thể kết hôn nên Nhót muốn có con, làm mẹ đơn thân. Từ đây, những chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra. Tình cảm của hai cha con từ đó mà cũng được cải thiện.
Trước tiên có thể thấy rằng bối cảnh bộ phim khá quen thuộc với những ai đã từng xem web-drama Chuyện Xóm Tui do Thu Trang sản xuất và đóng chính. Người xem cũng dễ dàng gặp lại những gương mặt thân quen từng cộng tác với “chị Mười Ba” trong khá nhiều bộ phim gần đây Như Huỳnh Phương, Tiến Luật, Vinh Râu…
Còn với những ai đã từng quen với phong cách dàn dựng của đạo diễn Vũ Ngọc Đảng, mâu thuẫn giữa hai thế hệ giữa Nhót và Xỉn có điểm tương đồng với ông Ba Sang (Trấn Thành) và Quắn (Tuấn Trần) trong Bố Già từng cán mốc doanh thu 400 tỷ hồi 2 năm trước. Từ cách tranh cãi làm hòa hay khóc lóc của Nhót và Xỉn cùng câu nói “Tui thương ba” lại một lần nữa vang lên rất xúc động, đúng thời điểm. Song, nếu như bài hát Sao cha không của Ali Hoàng Dương trong Bố Già để lại ấn tượng sâu sắc thì Con Nhót Mót Chồng không có được một bản OST “đinh”.
Xét về độ hài hước và khả năng nhập vai, thì Thái Hoà và Thu Trang thoải mái hơn là Trấn Thành và Tuấn Trần có phần gồng và lên gân. Thái Hòa vốn kinh qua khá nhiều vai người bố nghèo khổ, thô kệch nhưng đầy tình cảm trong Cha Rơi hay Mẹ Rơm. Rõ ràng, Thái Hòa là một điều gì đó rất khác biệt của điện ảnh Việt hiện tại.
Tài tử “xấu trai” này có thể “cân” cả đủ các loại vai từ trẻ cho đến già từ đồng tính, ông lớn thế giới ngầm cho đến người đàn ông quê mùa. Lần này, anh tiếp tục đem đến một người đàn ông nát rượu với nhiều trăn trở. Nhưng giá mà Thái Hòa có thể đưa thêm vào vài cử chỉ của “đệ tử của lưu linh” như tay chân run rẩy, giọng điệu lè nhè thì sẽ càng thuyết phục.
Còn Nhót bỗ bã, to mồm nhưng cũng có những khoảnh khắc bẽn lẽn, đáng yêu cũng là dạng vai “tủ” của Thu Trang. Chị làm ổn ở cảnh bi, dù thỉnh thoảng, người xem vẫn thấy một cô vợ mang tâm hồn thơ ca bí bách trong đời sống vợ chồng của Tiệc Trăng Máu.
Bồi – Đầm – Già (Vinh Râu, Thái Vũ, Huỳnh Phương), Dì Hồng (NSND Hồng Vân) và Mạnh (Tiến Luật) xuất hiện theo những cách khá hợp lý. Từng câu thoại và hành động của họ đều rất bình dân, gần gũi như thế anh chị hàng xóm nhà bên.
Ở một chừng mực nào đó, vai bà Hồng của Hồng Vân có nét giống với nhân vật Cẩm Lệ của Lê Giang trong Bố Già: bao đồng, có phần hung dữ nhưng tốt bụng, hào sảng. Đây dường như là một nhân vật bắt buộc phải có trong các phim đề cao tình làng nghĩa xóm khu vực Nam Bộ trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Chất điện ảnh trong Con Nhót Mót Chồng chưa cao khi phim dành nhiều thời lượng cho những màn tranh cãi la hét dài dòng ở nửa đầu tác phẩm mà “quên” tập trung vào biểu cảm của các nhân vật. Bù lại, những góc quay cận hay quay chếch cùng thủ pháp tua chậm (slow-motion) sử dụng khá hợp lý. Đặc biệt là trong màn tranh cãi giữa Nhót và ông Xỉn khi ông biết con mình tìm tinh trùng để mang thai.
Về các mảng miếng quăng hài, thế mạnh của các thành viên nhóm FAPtv tiếp tục được tận dụng hết công suất, đặc biệt là trong những trường đoạn mà các nhân vật của họ phản ứng về quyết định xin tinh trùng khắp làng trên xóm dưới của Nhót. Ở đó, khán giả sẽ thấy Huỳnh Phương hoạt ngôn, Vinh Râu tếu táo và Thái Vũ ngốc nghếch.
Tuy nhiên có một tình tiết mà mình không cảm thấy là có thẩm mỹ lắm. Đó là khi nhân vật Nhót nói về chuyện trinh tiết với dì Hồng. Mình cảm thấy thoại của nhân vật Nhót khá ấu trĩ vì không phù hợp với tuổi đời của cô.
Đành rằng đây là bộ phim gia đình và đề cao tình phụ tử chứ không phải nói về thân phận của người phụ nữ, nhưng tác phẩm cũng không nên nói về vấn đề tế nhị này một cách có phần cợt nhả như vậy.
Phim đưa vào khá nhiều câu thoại “bắt trend”, thậm chí vai Xỉn còn nói tiếng Anh. Điều này gây sự thích thú cho người xem. Đoạn kết của phim “rất” Bố Già nhưng gọn gàng và không bị lê thê, giáo điều. Chính vì thế, điểm nhấn cảm xúc ở đây cũng mạnh mẽ hơn. Cảnh kết hôn của Nhót và Mạnh thì lại phảng phất bóng hình của đám cưới muộn màng giữa bà Nữ và ông Liêm (Việt Anh) trong Nhà Bà Nữ.
Con Nhót Mót Chồng là sự lựa chọn phù hợp cho công chúng trong thời điểm đại lễ 30/4 đến gần. Phim đem đến nhiều tràng cười dân dã mà không dung tục cùng câu chuyện tương đối gần gũi, có tính thời sự. Tác phẩm công chiếu rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 28/4, có suất chiếu Đặc biệt từ 19h00 ngày 21/4 và cả ngày 22/4 và 23/4.
Theo: Dienanh.net