Thứ Hai, Tháng Chín 23, 2024
Trang chủPHIMĐiểm khác biệt giữa webtoon và bản truyền hình Duty After School

Điểm khác biệt giữa webtoon và bản truyền hình Duty After School

Bộ phim sinh tồn lấy bối cảnh học đường Duty After School hiện đang gây bão và mình cũng đang rất mong chờ phần kết của bộ phim sẽ ra mắt vào cuối tháng 4 này. 

Được chuyển thể từ webtoon ăn khách cùng tên, Duty After School gây ấn tượng bởi cốt truyện mới lạ khi đặt các học sinh cấp 3 vào cuộc chiến với quái vật ngoài hành tinh. Vẫn giữ nguyên bối cảnh và nhân vật, thế nhưng so với bản truyện tranh, mình thấy rằng phần phim truyền hình mới được lên sóng cũng có một số chi tiết khác biệt.

Tính cách của cô nàng lớp trưởng Kim Yoo Jung

Trong phim, cô bạn lớp trưởng Kim Yoo Jung (do Yeo Joo Ha thủ vai) được mọi người cùng lớp tôn trọng và tất cả đều lắng nghe những gì cô ấy nói. Trong phim, cô ấy không tỏ ra bất an hay nhút nhát, hay thậm chí là còn vô cùng sôi nổi, tháo vát.

Tuy nhiên, trong webtoon, cô ấy có vẻ dè dặt hơn và dường như không có khả năng điều phối mọi người, cũng như thường xuyên bị các bạn cùng lớp phàn nàn vì sự trầm lắng. Thế nhưng cuối cùng khi nhân vật lên tiếng, mọi người đều bất ngờ trước sự thay đổi này.

Mình thấy điều này cũng không ảnh hưởng nhiều đến cốt truyện. Tuy nhiên, mình vẫn thích phiên bản của cô nàng lớp trưởng Yoo Jung trong phim hơn, khi mà cô vừa thể hiện được tố chất lãnh đạo cũng như hòa đồng hơn với mọi người. 

Đặc biệt trong những tình huống hiểm nghèo khi đối đầu với quái vật, mình tin rằng cả đội luôn cần một người lãnh đạo đứng lên chỉ đạo, hỗ trợ mọi người và Yoo Jung chính là nhân vật như vậy.

Cách kể chuyện và nhịp độ câu chuyện

Mình thấy trong phim, có một số phương tiện truyền tải câu chuyện và diễn biến nội dung khá khác biệt so với webtoon. Ví dụ trong webtoon, nhật ký video của các nhân vật xuất hiện ngay khi câu chuyện bắt đầu và được sử dụng để giới thiệu các nhân vật.

Trong khi đó thì với bản truyền hình, nhật ký video chỉ xuất hiện sau thông báo về việc các học sinh nhập ngũ. Trung đội trưởng Lee Chun Ho (do Shin Hyun Soo thủ vai) đã giao nhiệm vụ cho Kim Chi Yeol (do Kim Ki Hae thủ vai) ghi lại toàn bộ trải nghiệm của những học sinh trong học kỳ quân sự.

Mình thấy các đoạn nhật ký video từ đầu webtoon tạo cảm giác câu chuyện giống như một cuốn tài liệu, tạo thêm một khía cạnh hấp dẫn, mới mẻ. Trong phim, nhật ký video được thêm vào ngoài mục đích ghi lại quá trình huấn luyện thì còn có thể là tạo thêm sự gắn bó với các nhân vật với nhau cũng như khiến mình hiểu hơn về cá tính, hoàn cảnh của từng người.

>>>> Xem thêm: 3 cặp đôi Hàn ngược lối trên phim, lại nên duyên ngoài đời

Việc nhân vật Kim Chi Yeol cảm nắng Lee Na Ra

Trong webtoon, tín hiệu cho việc Chi Yeol phải lòng Lee Na Ra (do Choi Moon Hee thủ vai) vô cùng rõ ràng, khi vừa mới bắt đầu câu chuyện. Tuy nhiên, trong phim, mình thấy mối quan hệ giữa hai nhân vật này đi lòng vòng và tình cảm của Chi Yeol cũng chưa thật sự rõ. Ngoài ra, trong webtoon, suy nghĩ của Chi Yeol xoay quanh Na Ra nhiều hơn so với trong bản phim.

Do tình cảm dành cho Na Ra trong webtoon chiếm phần lớn hơn cả, mình thấy nhân vật Chi Yeol lại chưa có nhiều sự phát triển tính cách riêng. Trong khi đó ở bản phim truyền hình, Kim Chi Yeol có cơ hội thể hiện cá tính nhiều hơn và quá trình “rung rinh” trước Na Ra cũng diễn ra tự nhiên hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, một trong những phân cảnh mình rất yêu thích trong phim là khi Chi Yeol nhìn Na Ra qua cửa sổ trong tập 1 cũng có sự khác biệt. Ở bản webtoon, Chi Yeol thực chất đã có va chạm nhẹ với Na Ra thay vì chỉ ngắm cô qua cửa sổ. Điều này khiến cho nhân vật Na Ra được chú ý ngay từ đầu, khác với bản phim truyền hình khi mà cô chỉ thật sự nổi bật khi bộc lộ năng lực chiến đấu.

Đối tượng tham gia huấn luyện quân sự

Trong webtoon, trong buổi công bố nhập ngũ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu tất cả học sinh đại học và trung học phải nhập ngũ. Tuy nhiên, trong phim những người trên 24 tuổi bắt buộc phải nhập ngũ và chỉ những học sinh cuối cấp 3 (năm 3 cấp 3) mới phải huấn luyện làm quân nhân dự bị cho quân đội.

Bằng cách thay đổi đối tượng nhập ngũ, rủi ro đối với học sinh trung học tăng lên vì chỉ những học sinh trước kỳ thi tuyển sinh đại học mới bị ảnh hưởng. 

Với mình thì sự thay đổi này có thể nhằm nhấn mạnh việc học sinh trung học chỉ được coi là lính dự bị mặc dù thực tế là cuối cùng họ cũng trở thành lính tại ngũ và điều đó có thể tiềm ẩn nhiều bất công và sự phản kháng.

  >>>> Xem thêm: Hôn nhân của các nữ thần Kbiz luôn vướng phải tin đồn “xà lơ”

Những chi tiết khác nhau giữa webtoon và bản phim truyền hình có thể dẫn tới sự khác nhau trong nội dung phim. Bởi vậy nên với mình thì phần kết của Duty After School vẫn còn rất nhiều bất ngờ phía trước và khó có thể đoán được nếu chỉ dựa vào webtoon.

 

 

 

Theo: Dienanh.net


Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN