Thanh Gươm Diệt Quỷ (Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba) hiện đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây. Sau thành công của những phần trước, mùa tiếp theo của phim với tên gọi Thanh Gươm Diệt Quỷ: Đường Đến Làng Rèn Gươm (Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – Swordsmith Village) sẽ hội ngộ cùng khán giả Việt Nam vào ngày 22.03.2023. Với đoạn trailer kéo dài hơn 2 phút, sự xuất hiện của Hà Trụ Muichiro Tokito và Luyến Trụ Mitsuri Kanroji đã khiến cho các fan của bộ phim đứng ngồi không yên khi điều này cho thấy sắp tới lại tiếp tục là cuộc chạm trán nảy lửa giữa kiếm sĩ và các Quỷ Thượng Huyền.
Để tri ân khán giả, Thanh Gươm Diệt Quỷ: Đường Đến Làng Rèn Gươm sẽ tái hiện lại trận chiến tàn khốc giữa Tanjiro, Sound Hashira, Tengen Uzui và anh em Thượng Huyền Lục – Daki và Gyutaro trong tập 10 và 11. Đặc biệt, trong bản movie lần này, tập 1 của Làng Rèn Gươm đồng thời được công chiếu. Tiếp nối câu chuyện tại Phố Đèn Đỏ, Tanjiro lúc này được đưa đến Làng Rèn Gươm để sửa chữa lại thanh kiếm bị hư hỏng nặng sau cuộc chiến. Tại đây, nhiệm vụ mới dành cho Đội Diệt Quỷ cũng dần được hé lộ.
Bên cạnh việc xây dựng một cốt truyện kịch tính cùng những pha tranh đấu khốc liệt, thành công của Thanh Gươm Diệt Quỷ còn nhờ vào cách bộ phim đã khéo léo lồng ghép vào bên trong khuôn hình kết tinh của những giá trị văn hoá, lịch sử của đất nước Nhật Bản. Chính điều này đã phần nào giúp Thanh Gươm Diệt Quỷ củng cố vị thế của mình trong vũ trụ anime hiện nay.
1. Bối cảnh thời kỳ Taisho
Thanh Gươm Diệt Quỷ lấy bối cảnh vào thời kỳ Taisho (thời kỳ Đại Chính) có thật tại Nhật Bản. Tuy diễn ra ngắn ngủi nhưng đây là bước ngoặt đánh dấu cho sự chuyển mình của nước Nhật bằng việc du nhập văn hóa phương Tây. Cụ thể, ngay từ tập phim mở đầu mùa 1, hình ảnh các đường dây điện đã xuất hiện tại thị trấn mà Tanjiro đến bán than.
Không chỉ thế, với nhiệm vụ tại Asakusa, Tokyo, Tanjiro đã vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến khung cảnh tấp nập của phố thị. Khác xa với quang cảnh vùng quê hoang vắng ngày trước mà Tanjiro sinh sống, nơi này “đêm đến mà vẫn sáng trưng”. Đây chính là những minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự giao thoa giữa nét truyền thống trong văn hóa Nhật Bản và lối sống hiện đại của phương Tây.
Ngoài ra, văn hóa ngoại nhập trong thời đại này còn được thể hiện qua phong cách thời trang của các nhân vật. Bên cạnh kimono, trang phục truyền thống của Nhật Bản, thì còn có sự xuất hiện của vest và mũ phương Tây, tiêu biểu với hình ảnh chúa quỷ Muzan Kibutsuji.
2. Phố đèn đỏ
Trong Thanh Gươm Diệt Quỷ: Kỹ Viện Trấn, Ufotable đã tái hiện chân thực hình ảnh của Yoshiwara, khu vực được mệnh danh là thiên đường giải trí khét tiếng tại Nhật Bản. Hoạt động lần đầu vào năm 1617, với hàng ngàn kỹ nữ đủ mọi cấp bậc, Yoshiwara là nơi thỏa mãn những ham muốn sắc dục của con người. Tại đây, các hoạt động quan hệ xác thịt được hợp pháp bởi chính phủ Nhật Bản. Ở Thanh Gươm Diệt Quỷ: Kỹ Viện Trấn, Yoshiwara xuất hiện lần đầu tiên với hình ảnh của một khu phố diễm lệ. Theo lời giới thiệu của Âm Trụ Uzui Tengen thì Yoshiwara là nơi “ban ngày chìm vào giấc ngủ, còn ban đêm thì sáng chói”. Điều này phần nào khiến người xem dễ dàng liên tưởng đến cách thức hoạt động của nhà tắm công cộng trong Spirited Away (Vùng Đất Linh Hồn).
Phim đã thành công trong việc truyền tải văn hóa Nhật Bản khi trình diễn lại cuộc diễu hành Oiran Douchuu, nét đặc trưng của phố đèn đỏ. Tỉ mỉ đến từng chi tiết, đây chính là cách mà Thanh Gươm Diệt Quỷ: Kỹ Viện Trấn góp phần làm bật lên vẻ hào nhoáng của Yoshiwara. Tuy nhiên, trái ngược với cuộc sống xa hoa ấy lại chính là thế giới ngột ngạt trong những “chiếc lồng” của các cô gái. Ở nơi mà cái đẹp được xem là tiêu chuẩn giá trị của mọi vật thì số phận của người phụ nữ phụ thuộc vào nhan sắc mà họ có được. Con người khi ấy bị trói buộc bởi ma lực đồng tiền và khát khao dục vọng.
3. Bông tai Hanafuda
Đôi bông tai của Tanjiro là vật được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Chúng mang hình dáng đặc trưng của bộ bài Hanafuda truyền thống tại Nhật Bản. Thông thường, mỗi bộ bài Hanafuda cơ bản bao gồm 48 lá bài, được chia làm 12 tháng, mỗi tháng có 4 quân. Hình vẽ trên mỗi lá bài đại diện cho một tháng trong năm và được cách điệu từ hình ảnh loài cây hoặc động vật tượng trưng cho tháng đó.
Ufotable đã ưu ái dành ra gần một phút cho phân cảnh tái diễn lại vũ điệu Hoả Thần của cha Tanjiro. Khi ấy, ông đã đeo đôi bông tai Hanafuda và thực hiện điệu múa dưới trời tuyết rơi. Ngoài ra, đối với chúa quỷ Muzan, đây có lẽ là nỗi khiếp sợ của hắn trong quá khứ. Vì trong lần chạm mặt đầu tiên với Tanjiro, Muzan đã nhận ra đôi bông tai của chàng kiếm sĩ. Chính bí ẩn này đã phần nào hé mở về năng lực tiềm ẩn thật sự của Tanjiro.
4. Mặt nạ của Tengu
Chiếc mặt nạ của Urokodaki được lấy cảm hứng từ Tengu, sinh vật mang tính biểu tượng tại Nhật Bản. Trong văn hoá dân gian Nhật, Tengu hay với tên gọi khác là Thiên Cẩu được biết như một vị thần bảo hộ con người, giúp họ tránh khỏi tai hoạ tại các khu rừng thiêng, vùng núi thánh. Tengu được tạo hình với khuôn mặt giận dữ màu đỏ cùng chiếc mũi lớn và dài. Chính nhờ vẻ ngoài đó mà tính cách của Tengu được cho là khá kiêu ngạo.
Vào thời xưa, mọi người xem là ác thần, mang lại điềm báo về chiến tranh. Tuy nhiên, ngày nay, mặt nạ Tengu thường được xuất hiện trong các lễ hội, nhà hát. Không chỉ thế, chúng còn được chọn để treo trong nhà như một biểu tượng của sự may mắn.
Theo: Moveek.com