Trước đây phim Hàn chủ yếu là đề tài tình yêu lãng mạn, những câu chuyện xoay quanh vấn đề nam nữ chính tới với nhau ra sao, yêu nhau thế nào. Nhưng tôi thấy phim Hàn ngày càng thay đổi, đa dạng hơn, chân thực hơn, thậm chí là rất thực tế luôn. Chủ đề thực tế nhất mà tôi thấy phim Hàn đang khai thác ngày càng nhiều đó chính là về tiền tài, địa vị, phân cấp xã hội. Để tôi kể ra một số tác phẩm xoay quanh chủ đề ai cũng quan tâm này nhé.
Squid Game (Lee Jung Jae, Jung Ho Yeon)
Nói đến chủ đề tiền tài thì bộ phim đầu tiên mà tôi phải kể ngay tới đó chính là Squid Game. Đây chính là một tác phẩm thực tế phản ánh đúng vào tâm lý con người, lòng tham đối với khối tài sản khổng lồ.
Phim mở ra câu chuyện của 456 người chơi có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều rất cần tiền, cùng đấu nhau nảy lửa để giành số tiền thưởng 45.6 tỷ won. Xoay quanh những trò chơi tưởng như đơn giản lại vạch trần bản chất của con người, cho thấy tầm ảnh hưởng vô hạn của tiền.
Tôi thích cách đặt vấn đề của Squid Game và phơi bày những sự thật có phần hơi tàn khốc nhưng lại rất rõ ràng. Đây cũng chính là sức hút lớn nhất của tác phẩm này.
My Liberation Notes (Lee Min Ki, Kim Ji Won, Son Seok Gu)
Mặc dù là bộ phim healing nhưng My Liberation Notes lại mở ra câu chuyện rất hiện thực về cuộc sống của một gia đình khó khăn, nổi trội trên hết đó là thiếu thốn vật chất. Những vấn đề được đặt ra là nếu họ giàu thì liệu gia đình có hòa thuận hơn? Nếu có tiền họ sẽ không cần phải lo lắng những điều nhỏ nhặt nữa?
Khi xem My Liberation Notes, tôi không những xúc động với sự thay đổi của các nhân vật khiến cho cuộc đời của họ khác đi. Bên cạnh đó thì cũng được thấy rõ áp lực kinh tế ảnh hưởng lớn đến mọi mặt cuộc sống ra sao. Bởi vì không có bối cảnh, không có khả năng thì sẽ không thể sống hạnh phúc yên bình được.
Anna (Suzy, Jung Eun Chae)
Nói đến phản ánh hiện thực thì tôi dám chắc Anna là một trong những bộ phim làm được điều này rõ nhất. Phim đã thể hiện một cách sinh động 2 khía cạnh chênh lệch giàu nghèo và tầng lớp xã hội, từ hiện thực ấy mà khiến cuộc đời nữ chính Yoo Mi hoàn toàn thay đổi.
Yoo Mi thích sự phù phiếm nhưng cô vẫn tin rằng chỉ cần nỗ lực làm việc thì có thể thay đổi hoàn cảnh gia đình. Thế nhưng trong xã hội mà tiền là quan trọng nhất ấy, Yoo Mi lại bị lừa dối, bị coi thường, nhận hết ủy khuất khiến cô tỉnh ngộ. Đánh giá của người ngoài về cái nghèo đã dần trở thành nỗi đau của Yoo Mi, rồi khiến cô biến chất và cuộc đời chuyển sang hướng khác hẳn.
Xem Anna, tôi cảm thấy rất bối rối, Yoo Mi đã sai nhưng cô cũng bị tác động không ít từ ngoại cảnh, những điều này gần như thành chất xúc tác vô hình đẩy cô vào tội lỗi.
Little Women (Kim Go Eun, Nam Ji Hyun, Park Ji Hu)
Little Women cũng nói về khó khăn hay cái nghèo ảnh hưởng lớn đến cuộc sống ra sao. Ba chị em nhà họ Oh sống trong nghèo khó, không có điều kiện học trường lớn nên cũng không có được sự coi trọng của người ngoài, họ luôn bất lực vì cảnh thiếu thốn. Một ngày nọ cô chị cả bất ngờ nhặt được số tiền khổng lồ 70 tỷ và giông tố cũng kéo tới với họ.
Little Women đã cho thấy rõ cách biệt cuộc sống nghèo khó của 3 chị em này với gia đình thượng lưu kia. Không có tiền thực sự là không có gì cả, muốn cuộc đời khác đi thì chỉ có cách là giàu có và có nhiều tiền mà thôi.
Ba chị em trong phim thực tế tới mức tầm thường vì tiền là thứ duy nhất họ mong cầu, thế nhưng tôi lại thấy chúng ta phần nào cũng đều như họ, cả thế giới vận động mỗi ngày chẳng phải là để mình giàu lên, có cuộc sống khác đi và tốt hơn đó sao. Chỉ là tôi không thích bộ phim này, xem vài tập đầu xong đọc vài tin tức, tôi bỏ luôn.
One Dollar Lawyer (Namgoong Min, Kim JI Eun)
Việc đặt ra mức phí 1000 won (20 ngàn đồng) cho mỗi vụ án của nam chính là một luật sư tài giỏi trong One Dollar Lawyer tuy rằng rất ảo nhưng lại thu hút sự chú ý.
Điều này là hoang đường ở ngoài đời bởi chi phí thuê luật sư rất đắt đỏ, chính vì vậy công lý luôn thuộc về người có tiền. Mà One Dollar Lawyer với đề tài rằng nam chính chỉ cãi cho người đúng và chỉ tính phí cho vụ án mình nhận là 1000 won để đưa tới một cái nhìn trái ngược với đạo lý đó, châm biếm nhẹ nhàng việc tiền thao túng công lý, cho khán giả được sống trong sự sảng khoái và công bằng thực sự.
Tôi nghĩ chính việc đi ngược lại thực tại và tạo ra sự hài hước, thú vị đã giúp cho One Dollar Lawyer ra mắt rất thành công và tăng sức hút qua từng tập đấy.
The Golden Spoon (Yook Sung Jae, Jung Chaeyeon)
Lại một bộ phim nữa mà tôi thấy rất hấp dẫn bởi sự trái ngược trong số phận của những người “sinh ra đã ngậm thìa vàng” và “sinh ra đã ngậm thìa đất”, từ đó thể hiện sự hỗn loạn và bất công của các tầng lớp xã hội. Với một dàn sao rất trẻ gần như khó mà gây chú ý nhưng The Golden Spoon với chất lượng nội dung khá tốt đã ra mắt rất tốt.
Tuy rằng tôi nghĩ phim sẽ không thể bật lên hay cạnh tranh nổi với One Dollar Lawyer nhưng đây vẫn là bộ phim cực kỳ đáng xem và suy ngẫm. “Sinh ra đã ở vạch đích” là một sức mạnh thần kỳ ai cũng cầu nhưng không phải ai muốn cũng có được đâu. Còn muốn biến “thìa đất” thành “thìa vàng” tuy khó nhưng không phải không có khả năng.
Việc thay đổi hướng đi, khai thác những vấn đề khác lạ, thực tế hơn đã mang đến sức hút nhiều hơn cho các bộ phim truyền hình Hàn. Nhiều khi tôi cũng không tin được là một làng phim đã từng tạo nên những bộ phim như ảo mộng, như cổ tích với những mô típ kinh điển như hoàng tử – lọ lem, tình yêu vượt qua mọi rào cản… lại có nhiều thay đổi và đa dạng cũng như thực tế về nội dung như vậy. Có lẽ chính vì như thế này mà tôi đã xem phim Hàn bao năm rồi mà vẫn cứ mê không dứt ra được.
Theo: Dienanh.net