Thứ Sáu, Tháng Chín 20, 2024
Trang chủPHIMTin Tức PhimMCU Giai đoạn 4: Mọi thứ còn quá mơ hồ, chưa thật...

MCU Giai đoạn 4: Mọi thứ còn quá mơ hồ, chưa thật sự liên kết với nhau

Marvel Studios đã dày công xây dựng cả một Vũ trụ điện ảnh trong 3 giai đoạn đầu. Tính đến nay, giai đoạn 4 đã đi hơn nửa chặng đường, nhưng những gì mà mình cảm nhận chỉ gói gọn 2 chữ “mơ hồ”. 

Vậy thực chất chuyện gì đang xảy ra với MCU vậy? Có chăng mình đã vội vàng kết luận vì các nhà làm phim đang âm thầm tạo nên những yếu tố bất ngờ mà sự xuất hiện của nó sẽ có tại Black Panther 2 hay Guardian of the Galaxy Vol. 3, hay thật sự cú búng tay của Tony Stark ở Avengers: Endgame đã kết thúc hoàn toàn giai đoạn vàng của Vũ trụ điện ảnh Marvel?

Có thể nói, sau sự kiện Avengers: Endgame, mình luôn đặt ra nghi vấn rằng: “Chuyện gì sẽ xảy ra ở giai đoạn 4, liệu rằng các siêu anh hùng sẽ tồn tại ra sau khi thiếu Iron Man, Captain America?”. Cùng quay trở lại một chút quá khứ với mình nhé!

Chất lượng và doanh thu các phim điện ảnh giai đoạn 4

Còn nhớ ngay sau khi giai đoạn 3 kết thúc với Endgame (2019), đến tháng 7 cùng năm, chủ tịch Kevin Feige đã công bố Giai đoạn 4 tại San Diego Comic-Con, bao gồm các bộ phim và chuỗi sự kiện truyền hình trên Disney +. 

Tháng 12 năm 2020, tại “Ngày đầu tư” của Disney, Marvel Studios đã cung cấp thông tin cập nhật cho các bộ phim và loạt phim đã công bố trước đó, đồng thời công bố thêm loạt phim trên Disney + cùng một phần đặc biệt, được xác nhận là thuộc giai đoạn 4.

Điều này mở ra hàng loạt giả thuyết xoay quanh các câu chuyện về Eternals, Shang-Chi và Huyền Thoại Thập Luân, đặc biệt nhất là khái niệm “đa vũ trụ” trong Spider-Man: No Way Home Doctor Strange in the Multiverse of Madness.

Nếu ở 3 giai đoạn đầu, mình được chứng kiến các thuyết lượng tử, du hành thời gian cùng hiệu ứng từ 6 viên đá vô cực, thì đa vũ trụ là khái niệm mà mình cho rằng sẽ bao trùm xuyên suốt cả giai đoạn 4. 

Chính vì vậy, ngay khi Marvel Studios đăng tải đoạn trailer đầu tiên của Spider-Man: No Way Home, sự xuất hiện của loạt phản diện quen thuộc ở Vũ trụ Sony như: Green Goblin, Electro, Tiến sĩ Bạch Tuộc… đã khiến mình cực kỳ háo hức. 

Điều này phần nào thiết lập giả thuyết về sự tái hợp của ba chàng nhện do Tobey Maguire, Andrew Garfield, Tom Holland thủ vai, có màn tái hợp để “hộ tống” các phản diện về “dinh”.

Tất nhiên Marvel Studios không làm cho mình thất vọng khi đã có màn “fan-service” không thể nào chuẩn hơn. Chắc hẳn các bạn còn nhớ khoảnh khắc Captain America hô vang “Avengers Assemble” ở Avengers: Endgame như thế nào mà đúng không? Vâng, cảm giác ấy một lần nữa quay lại khi 3 chàng nhện cùng đu tơ, tạo thế đáp xuống và song phi cước vào từng tên phản diện một. Thật sự rất khó tả!

Chính vì vậy, Spider-Man: No Way Home đã xuất sắc mang về 1,8 tỷ USD (tương đương 124 tỷ đồng), trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2021. Hàng loạt các bài báo đưa tin khen ngợi, đánh giá tốt về chất lượng và đặc biệt là màn tái hợp của 3 chàng nhện “đáng đồng tiền bát gạo”. 

Trên trang Rotten Tomatoes, bộ phim cũng nhận về số điểm cực kỳ cao, với 93% lượt đánh giá từ giới phê bình đã giúp cho Spider-Man: No Way Home trở thành một trong những bộ phim hay nhất năm 2021.

Với con số ấy, mình hoàn toàn gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực về những tác phẩm trước đó đã bị “ăn gạch” thảm bại cho giai đoạn 4, ví như hai quả “cà chua thối” là Black Widow Eternals. Mình còn nhớ thời gian phát hành cả 2 bộ phim ấy, cả nước đang phải hứng chịu sự bùng phát của dịch bệnh, thậm chí khi Eternals phát hành, một số cụm rạp trên cả nước vẫn chưa thể mở cửa vì nhiều vấn đề quan ngại.

Thiết nghĩ 2 bộ phim này chỉ nên xem ở nhà, vì nếu bỏ tiền để xem những tác phẩm mà do chính “tượng đài” của kinh đô Hollywood làm nên thì vừa lãng phí, vừa tiếc “hùi hụi”. 

 

Nói về Eternals, bộ phim gây ấn tượng lớn với mình ở mảng kỹ xảo và hình ảnh, mọi thứ làm rất bắt mắt và kỳ ảo. Tuy nhiên, vấn đề lớn lại nằm ở việc nhà làm phim đã quá tham lam khi đưa những vấn đề đa sắc tộc, yếu tố LGBTQ+ vào bộ phim. Mình nghĩ “vui thôi đừng vui quá”, thành ra mọi thứ bị “ô dề”.

Hơn nữa nếu nhìn tổng thể Eternals, ví như mình đang xem một bộ phim độc lập hoàn toàn khỏi Vũ trụ điện ảnh Marvel. Chính vì vậy, Eternals chỉ dừng lại ở mức 47%. 

Tuy nhiên, không thể không phủ nhận sức hấp dẫn của MCU, một nghịch lý luôn xảy ra của hãng phim mà mình nhận ra là “số điểm đánh giá tỷ lệ nghịch với doanh thu phim”. Dù chất lượng có tệ hoặc cốt truyện có yếu đến đâu, thì doanh thu của phim vẫn luôn đứng đầu phòng vé trong thời điểm phát hành tại rạp.

Điển hình là Eternals vẫn thắng lớn với 402 triệu USD, trong khi kinh phí thực hiện chỉ có chừng 200 triệu USD. Tuy so với các bộ phim cùng vũ trụ không cao hơn, nhưng tính tổng doanh thu tại thời điểm đó so với những bộ phim khác, thì dàn “chủng tộc bất tử” vẫn “bất tử”.

Nói về Black Widow, tác phẩm mình mong chờ không kém gì Doctor Strange 2 hay Spider-Man: No Way Home, lại khiến cho mình hoàn toàn thất vọng. Có lẽ vì dàn siêu anh hùng của Avengers ai nấy cũng quá mạnh, đến độ mình nghĩ khả năng của Natasha Romanoff yếu đến mức bị nhà làm phim xem thường thế à? 

Thật sự, Black Widow là tác phẩm làm về câu chuyện của nữ anh hùng duy nhất trong thế hệ Avengers đầu tiên, nhưng mình cảm giác cô hoàn toàn bị “dìm” không thương tiếc.

Chưa kể, một trong những lý do khiến mình đam mê MCU chính là vũ trụ điện này đa dạng các yếu tố, chẳng hạn như khi nhắc đến khía cạnh khoa học, kỹ thuật thì mình nghĩ đến Iron Man, Spider-Man, Hulk; khi nói về thần thoại thì lại nhớ đến Thor, Loki, Hela hoặc khi đề cập đến yếu tố phép thuật, ma thuật lại ấn tượng bởi Doctor Strange, Scarlet Witch…

Nhưng khổ cho Black Widow, vừa yếu nhất nhóm, phim riêng lại không mấy hoàn hảo, cực kỳ khô khan. Thật sự đây là một sự lãng phí từ Marvel Studios. Bộ phim chỉ khiến mình tập trung vào đúng 30 phút thời lượng đầu phim, kể từ sau đó cảm giác xem phim của mình không hoàn toàn tự nhiên mà có, tất cả chỉ là việc nỗ lực ngồi chờ đến after-credit.

Vì vậy tính đến thời điểm hiện tại, cả Eternals Black Widow là 2 tác phẩm sở hữu lượng “gạch” nhiều nhất, mình nghĩ nhiều đến độ các nhà làm phim có thể dùng đó để xây hẳn một “chuồng gà” cho 2 phim đó chơi với nhau.

Không tính đến các series truyền hình, trong 6 bộ phim điện ảnh của MCU giai đoạn 4, mình ấn tượng nhất duy chỉ Spider-Man: No Way Home với Shang-Chi và Huyền Thoại Thập Luân. Chắc hẳn mọi người sẽ thắc mắc vì sao mình không ấn tượng với Doctor Strange 2 hay Thor: Love and Thunder à?

Với Doctor Strange 2, lỗi lớn nhất của hãng phim chính là liên tục quảng bá bộ phim bằng những chiêu trò tung ra các đoạn phim ngắn, ngay cả việc làm lộ danh tính của Hội Illuminati đã khiến cho trải nghiệm xem phim của mình không mấy ấn tượng. 

Song khái niệm đa vũ trụ của MCU làm quá mơ hồ và khiến mình chưa thể hiểu rõ mục đích của yếu tố này là gì. Nếu là sự chờ đợi cho màn “combat” ở sự kiện Secret Wars khép lại giai đoạn này, thì mình hoàn toàn thông cảm. 

Nhưng nếu thật sự nhà làm phim tạo ra chỉ để “lấy lòng” fan hâm mộ, thì đó là sự thất vọng với mình. Hy vọng rằng câu trả lời sẽ có được trong thời gian tới, vì mãi đến bây giờ, cả 13 bộ phim (tính cả series truyền hình) đều chưa thật sự liên kết với nhau qua khái niệm này. Đó là điều khiến mình còn mông lung, không rõ ý định cuối cùng của nhà làm phim là gì.

Thor: Love and Thunder cái tên gây tranh cãi trong thời gian qua khá nhiều. Đặc biệt với sự trở lại của đạo diễn Taika Waititi, mình luôn mong một phản diện “chất lừ” như Hela ở Ragnarok có thể tái xuất và khiến mình bất ngờ hơn nữa. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Gorr quá ít, hơn nữa cách bộ phim tạo hướng “cải tà quy chính” ở cái kết cho kẻ diệt thần này, thật sự chưa thuyết phục mình lắm.

Yếu tố hài hước của Thor: Love and Thunder cũng đã vô tình khiến bộ phim chứa quá nhiều “sạn”, thậm chí mình nghĩ phim siêu anh hùng mà nhà làm phim cho mọi người cười nhiều quá, các màn chiến đấu và kỹ xảo lại không được đầu tư, thì chẳng khác một bộ phim hài đơn thuần. 

Đó là lý do Thor 4 chỉ mang về 68% điểm đánh giá trên Rotten Tomatoes, chỉ đứng trước Eternals và đứng sau Black Widow.

Chất lượng series truyền hình giai đoạn 4

Một trong những điểm “ăn tiền” nhất của MCU ở giai đoạn 4 chính là sản xuất ra hàng loạt các series truyền hình về riêng các nhân vật trong truyện tranh và ở giai đoạn trước. Điều đáng nói, nếu đem lên bàn cân, thì mình thấy cả 7 bộ phim truyền hình cho các 6 phim điện ảnh “hửi khói” như chơi.

Trong 7 series truyền hình, bao gồm: WandaVision, The Falcon and the Winter Soldier, Loki, What If…?, Hawkeye, Moon Knight Ms. Marvel mới kết thúc tuần rồi. Ngoài WandaVision Loki chứa những yếu tố ma thuật và có tính liên kết với khái niệm đa vũ trụ, dẫn qua câu chuyện trong Doctor Strange 2, khiến mình hứng thú, thì còn có Moon Knight Ms. Marvel.

Nói về Moon Knight, đây là siêu anh hùng “dị” nhất của MCU, không chỉ sở hữu một cốt truyện chặt chẽ, mà cách diễn xuất của Oscar Isaac khi hóa thân liên tiếp các nhân cách khác nhau của Moon Knight, đã làm cho mình cực kỳ bất ngờ. Đỉnh điểm là ở tập 5, theo thống kê từ Disney, đây là tập phim có lượng người xem cao nhất, chỉ đứng sau tập 1.

Màn chào sân cho một siêu anh hùng đa nhân cách đầu tiên của MCU đã dứt khoát giúp Moon Knight chiếm được 86% từ Rotten Tomatoes, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng các bộ phim MCU giai đoạn 4, chỉ sau Loki Spider-Man: No Way Home. 

Tuy nhiên, theo một bản tin mà Bánh Đúc đọc được trong thời gian Moon Knight lên sóng, nhà sản xuất phim đã tiết lộ rằng họ chỉ muốn làm một siêu anh hùng độc lập khỏi dòng thời gian chính của MCU và không có liên quan gì đến bất kỳ sự kiện nào trong giai đoạn này của vũ trụ. 

Chính vì thế, mình nghĩ nhiều khả năng Moon Knight sẽ là tác phẩm độc lập, thiết lập một siêu anh hùng hoàn toàn mới mẻ theo cách riêng của nhà sản xuất, vì vậy mình nghĩ trong thời gian tới, “Nguyệt đại hiệp” sẽ phải vắng mặt ở một số tác phẩm của MCU.

Nói về Ms. Marvel, nữ anh hùng tuổi teen tiếp theo sau America Chavez (Doctor Strange 2) và Kate Bishop (Hawkeye), đã có một câu chuyện đúng kiểu tuổi teen học đường. Xem phim mà mình cứ nhớ đến những tác phẩm quen thuộc từng xuất hiện trên Disney Channel. Cô nàng Kamala Khan đã có cho mình 6 tập phim về nguồn gốc cũng như sức mạnh cụ thể của nhân vật Ms. Marvel.

Mình nghĩ mặc dù chất lượng không được hoàn hảo cũng như hay ngang ngửa Moon Knight hay các series truyền hình khác, nhưng đây có thể là nhân vật đầu tiên được gia đình ủng hộ theo con đường “cứu nhân độ thế”. Cảnh phim ấn tượng nhất với mình chính là ở tập cuối, khi Kamala bị bọn người của đặc vụ Deever tấn công, cả gia đình chứng kiến cô bé dùng sức mạnh để cứu lấy bản thân và cả Kamran. 

Có lẽ chính yếu tố gia đình cũng như màu sắc của 6 tập phim đã giúp Ms. Marvel sở hữu lượt đánh giá 98% từ Rotten Tomatoes, hoàn toàn “ăn đứt” Loki Spider-Man: No Way Home.

Đánh giá chung

Tính đến thời điểm hiện tại, MCU đã phát hành 13 tác phẩm cùng với sự xuất hiện của nhiều nhân vật mới, điều khiến mình luôn mong chờ sau mỗi tác phẩm, đó là sự kết nối với nhau.

Với 6 tác phẩm điện ảnh đã được ra mắt, kết quả chung đều là những sự thất vọng ê chề. Mặc dù tổng thể về phần nghe – nhìn không có gì để bàn cãi quá nhiều, nhưng mấu chốt vẫn là mình chưa thể hiểu rõ hãng phim đang thật sự muốn gợi ý điều gì cho chúng ta. 

Ví như các Iron Man, Captain America hay Thor thì mình còn ngầm hiểu được The Avengers là sự tái hợp của các nhân vật cộm cán ấy, cũng như là màn ra mắt cho Biệt đội Báo Thù.

Hơn nữa, sự xuất hiện của Thanos ở đoạn after-credit của The Avengers là một sự tiết lộ về “trùm cuối” của cả 3 giai đoạn đầu. Điều này có thể giúp mình liên kết với mạch truyện chính của Marvel và dẫn ra nhiều giả thuyết về cuộc chiến vô cực hoặc là một cái kết như Endgame. 

Còn với những gì đang diễn ra trong giai đoạn 4 của MCU, mọi thứ vẫn có khá dàn trải và chưa tập trung vào một yếu tố trọng điểm. Ngay cả tên phản diện cuối cùng là ai, mình cũng không biết rõ. Phải chăng Vũ trụ điện ảnh Marvel đang trong giai đoạn “cực thịnh tất suy”?

Với thông tin Marvel Studios mua lại bản quyền từ Fox để tái thiết lập đội X-Men và Fantastic Four cũng khiến số lượng nhân vật ngày một nhiều hơn.

 

Cảm nhận chung của mình cảm thấy như đi vào một bữa tiệc tự chọn, quá nhiều món ăn nhưng lại không biết ăn món nào, có món thì ngon xuất sắc, có món thì nhìn thôi đã thấy ngán. Chính vì vậy, MCU giai đoạn 4 vẫn còn là một dấu chấm hỏi với Bánh Đúc, không biết ý định sắp tới của Marvel Studios là gì.

Cá nhân mình nghĩ, nếu Thor: Love and Thunder ăn một cú “flop” thật sự, thì Black Panther 2 sẽ là vị cứu tinh cuối cùng cho giai đoạn đầy biến động này.

Tựu trung giai đoạn 4 là một kỷ nguyên mới cho Vũ trụ điện ảnh Marvel, nhiều nhân vật mới được xuất hiện, các nhân vật cũ sẽ trở thành những nhân tố tác động phần nào vào mạch truyện chính của MCU. 

Hơn nữa với sự góp mặt của những siêu anh hùng tuổi teen, dự là trong tương lai, MCU sẽ cho ra đời thế hệ Young Avengers. Vì vậy, Bánh Đúc nghĩ, điều mình cần làm là ngồi chờ những dự án cuối cùng của giai đoạn này để xem hãng phim có chuyển biến bất ngờ gì không nhé!

 

Theo: Dienanh.net


5/5 - (148 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN