Xây dựng phong cách làm phim dựa trên những chất liệu của thập niên 70, The Black Phone do Scott Derrickson đạo diễn đã mang đến những màn jump-scare khiến mình phải hét toáng lên vì bất ngờ, song nhân vật phản diện lại không gây ảnh hưởng đến tâm trí nhiều như mình kỳ vọng.
The Black Phone là bộ phim được phát triển dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Joe Hill – con trai ông hoàng kinh dị Stephen King. Bối cảnh diễn ra vào năm 1978 tại vùng Bắc Denver khi liên tục xảy ra những vụ trẻ em biến mất nhưng không rõ nguyên do. Tại đây, Finney và Gwen là hai anh em sống cùng nhau dưới sự kiểm soát gay gắt từ người cha.
Một ngày nọ, cậu bé Finney lọt vào tầm ngắm của tên phản diện, gọi là The Grabber, hắn dẫn cậu đến một tầng hầm cách âm và khóa ở đó. Trong không gian tối tăm này, cậu phát hiện một chiếc điện thoại màu đen cũ kỹ, bất chợt nó đổ chuông và đầu dây bên kia là những nạn nhân vắng số, trạc tuổi Finney, đã từng rơi vào tay tên phản diện.
Họ đã giúp cậu bé trốn thoát khỏi nơi quỷ quái đó bằng những ám hiệu và chỉ dẫn. Lần theo những kinh nghiệm đó, cùng sự dũng cảm, Finney cuối cùng thành công thoát khỏi hố đen.
Là tác phẩm do nhà Blumhouse sản xuất, thoạt đầu mình rất mong chờ hiệu quả mà bộ phim mang lại. Trước đó những cái tên Halloween, Sinister, Insidious, Get Out… đã làm nên thành công và giúp Blumhouse đẩy mạnh danh tiếng trên thị trường quốc tế với những sản phẩm kinh dị.
Đến với The Black Phone, một lần nữa mình lại gặp Ethan Hawke, trước đó từng thủ vai Ellison Oswalt trong Sinister và tên phản diện Arthur Harrow trong Moon Knight của Marvel Studios. Tuy nhiên hành trình lần này của anh với The Black Phone lại không quá ấn tượng với mình so với một nhà văn trinh thám Ellison hay “kẻ thủ ác” Arthur.
Xuyên suốt hành trình làm nên những “chiến tích” của tên The Grabber, mình chỉ biết hắn là một kẻ có vấn đề về tâm lý, thường chọn trẻ em là đối tượng chính. Bằng món nghề ảo thuật đường phố cùng tạo hình quái dị với chùm bóng bay và chiếc xe hơi màu đen, hắn dễ dàng dẫn dụ nhiều đứa trẻ vào tròng.
Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau đó để làm nên tính cách và động cơ thực hiện của tên phản diện này lại không rõ ràng. Hầu như xuyên suốt The Black Phone không có bất kỳ lời giải thích hợp lý nào cho hành vi của hắn, vì thế ngồi trong rạp, Bánh Đúc không ngừng tự hỏi bản thân: “Động cơ hắn là gì?”
The Black Phone xây dựng nội dung theo hướng điều tra vụ án đan xen yếu tố siêu nhiên, kinh dị. Các nút thắt trong phim được cài vào, gỡ ra một cách dễ dàng. So với những tác phẩm trước kia, yếu tố kinh dị hầu như không đến từ “thế lực thứ ba” mà là sự tác động từ tâm lý, nhân cách nội tại trong chính nhân vật.
Điển hình là Finney Shaw, một cậu bé luôn mang chịu đựng sự chế giễu từ bạn bè, bao bọc bản thân là lớp vỏ yếu hèn, không dám chống trả bất cứ điều gì, luôn phải cam chịu. Ngay cả việc nhìn cô em gái Gwen bị bố “đi đường quyền”, cũng cắn răng bất lực. Chính vì thế, bóng ma tâm lý ngày một lớn dần và dẫn đến đỉnh điểm cậu buộc lòng phải vượt qua nó nếu muốn thoát khỏi căn hầm quái ác kia.
Vì vậy, so với một Ethan Hawke dày dặn kinh nghiệm, Mason Thames hoàn toàn thuyết phục mình trước diễn xuất và câu chuyện của nhân vật Finney Shaw. Bên cạnh đó, sự góp mặt của cô em gái Gwen Shaw do Madeleine McGraw thủ vai, đã khiến mình có phần thích thú bởi tính cách bộc trực, mạnh mẽ.
Dẫu đối mặt với trận đòn roi của bố, nhưng Gwen vẫn quyết tâm thực hiện việc điều tra theo cách mà bản thân mách bảo, cô bé có lòng tin tuyệt đối vào giấc mơ của mình, kết quả là Gwen đã giúp các thanh tra tìm đến tận “sào huyệt” của tên phản diện.
Bánh Đúc nghĩ “mồm loa miệng chảo, mách lẻo đôi co” chính thành ngữ thể hiện rõ con người của Gwen, vì sẽ có một số phân đoạn mình bắt gặp “hậu duệ” của nhân vật Erica trong Stranger Things, cô bé khẳng khái phát ngôn những điều bản thân tin là đúng và luôn đúng. Chính vì vậy, điều đó phần nào làm nên tính cách đặc biệt của Gwen Shaw trong The Black Phone.
Toàn bộ những gì diễn ra trong The Black Phone tạo cho mình cảm giác như đang xem phim kinh dị vào những năm 2008-2010 khi những cái tên The Uninvited, The Unborn nổi như cồn. Vì sao à? Bởi The Black Phone có một bối cảnh đậm chất cổ điển, xây dựng mọi thứ hoàn toàn vào giai đoạn thập niên 70, từ những cái tên phim như Texas Chainsaw Massacre cho đến những bản hòa tấu quen thuộc của Mỹ lúc bấy giờ.
Ngay cả trang phục của nhân vật và màu phim được làm cũ đi khiến The Black Phone như một cuốn phim cổ mà mình từng xem vào đầu những năm 2000. Đặc biệt, đoạn intro giới thiệu, các nhà làm phim sử dụng thước phim giả tư liệu được quay bằng máy Super 8 khiến mình nhớ đến phong cách quen thuộc của Sinister. Điều đó giúp phần nhìn của The Black Phone “xịn” hơn.
Hơn nữa, âm thanh trong phim không quá vang vọng, tiết tấu những đoạn nhạc được kéo dài âm ĩ tạo cho mình rõ một sự kịch tính và cứ phải dè chừng vì không biết khi nào jump-scare xuất hiện.
Bánh Đúc nghĩ, nếu những ai chuộng các phim kinh dị theo mô típ điều tra, phá án thì The Black Phone chính là lựa chọn tốt nhất ở thời điểm này, hành trình tìm ra tung tích của Finney, lần theo vài manh mối góp nhặt từng giấc mơ của Gwen khiến mình phải “nắm chặt tay” và nín thở bởi sẽ có những phân đoạn khiến bạn không ngờ đấy!
The Black Phone mang một thông điệp cực kỳ đơn giản, nêu cao sự dũng cảm và không bao giờ đầu hàng. Điển hình là câu nói: “Một ngày nào đó, cậu phải đứng lên tự bảo vệ lấy mình” đã giúp Finney nhận ra giá trị bản thân vẫn tồn tại sức mạnh, trách nhiệm chính là giải thoát bản thân ngay lúc. Mọi nỗ lực chẳng bao giờ là vô nghĩa ngay cả khi những thất bại cứ nối tiếp nhau.
The Black Phone tuy giúp mình có được những giây phút thót tim nhưng mình lại không đánh giá cao về cách xây dựng nhân vật, đặc biệt là phản diện chính của Ethan Hawke, vẫn còn quá nhiều dấu chấm hỏi xoay quanh động cơ, xuất thân và quá khứ của gã này. Ngay cả mẹ của Finney và Gwen cũng sở hữu năng lực bẩm sinh như Gwen, nhưng bộ phim lại không lý giải rõ ràng, tất cả chỉ qua lời kể của người cha. Do đó Bánh Đúc chấm The Black Phone 6.8/10.
Còn bạn. Bạn chấm phim này bao nhiêu điểm? Hãy để lại bình luận cho mình nhé.
Theo: Dienanh.net