Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024
Trang chủGAMETin Tức Game6 ứng cử viên cho GOTY năm nay, bạn đã sẵn sàng...

6 ứng cử viên cho GOTY năm nay, bạn đã sẵn sàng để vote cho tựa game mình yêu thích?

Liệu tựa game nào sẽ là người phù hợp cho GOTY năm nay?

The Game Awards là một sự kiện được tổ chức thường niên vào tháng 12, nhằm tôn vinh những thành tựu và cá nhân nổi bật của ngành game qua mỗi năm. Sự kiện được chủ trì và sản xuất bởi nhà báo Geoff Keighley. Bên cạnh việc việc trao giải, giống như E3, sự kiện này cũng là nơi thích hợp để công bố các dự án game đình đám mới. Nó được cho là sự tiếp nối thành công của giải thưởng Spike Video Game Awards (Spike VGA) và đã thành thông lệ kể từ 2014 đến nay. Vì vậy sự kiện The Game Awards cũng sẽ bao gồm nhiều hạng mục khác như game có cốt truyện xuất sắc nhất, game có âm nhạc hay nhất, game có đồ họa ấn tượng….

6 ứng cử viên cho năm 2020 đều là những cái tên vô cùng quen thuộc, chúng ta hãy cùng đánh giá qua những cái tên đó trước khi tiến hành vote cho tựa game mình ưa thích nhé!

The Last Of Us Part II – Cái tên đầy tai tiếng

Nếu bạn còn nhớ cách đây không lâu, The Last Of Us Part 2 đã nhận về chỉ vỏn vẹn 3.6 User Score trên Metacritic với hơn ba nghìn đánh giá tiêu cực. Điều thú vị cần lưu ý là những đánh giá tiêu cực của người dùng này đã xuất hiện gần như ngay lập tức sau khi game được phát hành vào ngày 19 tháng 6. The Last of Us Part II được ước tính là game thủ phải cần ít nhất 30 tiếng chơi trở lên thì mới có thể hoàn thành game. Điều đó có nghĩa là những đánh giá này đã được đăng ngay lập tức bởi những game thủ bất mãn, những kẻ phá hoại và đưa ra đánh giá nhanh để “dìm hàng” The Last of Us Part II. Game thủ có thể thấy ngay sự khác biệt giữa điểm Metascore 95/100 và User Score trên trang Metacritic.

Trái lại với những “pha bỏ bom” đỏ chót đến từ cộng đồng, The Last Of Us Part 2 lại được các chuyên gia đánh giá vô cùng cao ở nhiều khía cạnh, liệu đây có phải chỉ là điểm số để tăng doanh số bán game?

Điều đó không đơn thuần chỉ là may mắn cho tựa game đến từ Naughty Dog, không nói đến phần cốt truyện đã tạo ra phản ứng trái chiều cho cộng đồng, thì gần như tất cả mọi thứ của The Last of Us Part 2 đều được chăm chút vô cùng kĩ lưỡng. Cơ chế vật lý được cải thiện đáng kể, kèm theo đó là hệ thống combat cực kỳ đa dạng, cùng với đó là cả một nền đồ họa cực kỳ sống động và xuất sắc, sẽ không ngoa chút nào khi nói, The Last of Us II đã tốt hơn rất nhiều người anh đi trước của mình.

Bất chấp những khó khăn từ lúc ra mắt, theo một báo cáo dữ liệu bán hàng sớm từ Vương quốc Anh, phần tiếp theo của tựa game kinh dị sinh tồn – The Last of Us Part II đã trở thành tựa game bán chạy nhất mọi thời đại trên hệ máy PS4 với doanh số kỷ lục chỉ trong vòng hai ngày kể từ khi phát hành. Cụ thể The Last of Us Part II đã đánh bại Uncharted 4 để trở thành tựa game bán chạy nhất trên hệ máy PS4.

Đối với bạn, liệu cái tên đầy tai tiếng đến từ Naughty Dog có thực sự xứng đáng với GOTY năm nay?

Ghost Of Tsushima – Đối thủ nặng kí

Là sản phẩm đến từ Sucker Punch, nhà phát triển đã quá nổi tiếng với loạt game Infamous chất lượng của mình, Ghost Of Tsushima được kì vọng sẽ không chỉ là tựa game Samurai tiếp theo thành công, mà còn tiếp tục đưa danh tiếng của Sucker Punch đi xa hơn nữa. Lấy bối cảnh là đất nước Nhật Bản trong những năm mà đế chế Mông Cổ tung hoành và giày xéo biết bao nhiều dân tộc trên toàn cõi Á – Âu, Ghost Of Tsushima được kì vọng sẽ trở thành một tựa game xuất sắc của năm 2020.

Thế giới trong game – Tsushima là một hòn đảo lớn với nhiều địa điểm, nhiều ngôi làng và nhiều người khác nhau. Cho phép game thủ có thể khám phá, thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh tuyệt đẹp của game. Dù mang danh là một samurai, nhưng game thủ sẽ phải chiếu đấu một cách ẩn thân – phong cách chiến đấu của một ninja. Ngoài các vũ khí đã quen thuộc là katana, game thủ cũng có thể được sử dụng các vũ khí khác như cung dài, hay ngựa có vũ trang,… chỉ một vài dòng ngắn sẽ khó có thể diễn tả được gameplay có độ chi tiết cao như Ghost Of Tsushima.

Game mang đến cho người chơi hai hướng xây dựng nhân vật: một kiểu samurai anh dũng, đánh trực diện và một kiểu “bóng ma” ám sát đối thủ bất kể danh dự. Với kiểu chơi samurai, người chơi sẽ học cách đỡ đòn, né đòn, phản đòn quen thuộc của Sekiro: Shadows Die Twice, tất nhiên với độ khó giảm một nửa, thuần thục chúng sẽ mang đến cho chúng ta những pha giao đấu đẹp mê người.

Điểm nổi bật của Ghost Of Tsushima có lẽ ở đồ họa vô cùng bắt mắt và chân thật mặc dù game được ra mắt vào cuối vòng đời của dòng PS4. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Nhật Bản từ thế kỷ 13 qua những khung cảnh đẹp đến choáng ngộp trong những rừng trúc thường thấy trong những bộ phim kinh điển về samurai của Nhật Bản. Ngay cả những đoạn hội thoại giữa các nhân vật cũng được đội ngũ thiết kế của Sucker Punch xây dựng trong những khung hình đậm tính nghệ thuật một cách có chủ ý. Gần như nơi đâu mà bạn rong đuổi ngựa trong Ghost of Tsushima cũng đẹp mê hồn. 

Xét về tổng thể, Ghost Of Tsushima có nhiều điểm cuốn hút cả về cốt truyện lẫn gameplay, liệu rằng chừng ấy yếu tố sẽ giúp game dành được GOTY danh giá năm nay?

Doom Eternal – Cái tên không nằm ngoài dự kiến

Được phát triển bởi id Software, Doom Eternal là hậu bản tiếp theo nối liền cốt truyện với phiên bản năm 2016. Lấy bối cảnh giả tưởng Trái Đất vào năm 2151, lúc này Trái Đất bị xâm chiếm bởi bọn quỷ đến từ Địa Ngục. Nhân vật chính là Doom Slayer sẽ tiếp tục cuộc chiến từ phiên bản 2016. Với lối chơi với nhịp độ nhanh và những pha hành động mạnh mẽ, bay nhảy chóng mặt của Doom Eternal vẫn sẽ giống như người tiền nhiệm.

Rời khỏi những bối cảnh “an toàn” nơi nhà phát triển có thể tự do phát huy trí tưởng tượng như sao Hỏa hay Địa ngục, id Software đưa chúng ta đến với một Trái đất theo phong cách “kinh dị cơ thể” vừa quen thuộc lại vừa xa lạ. Quen thuộc là bởi bạn vẫn nhìn thấy những tòa nhà cao tầng, những tấm biển quảng cáo và các phương tiện giao thông bình thường, còn xa lạ là vì giờ đây chúng bị bao phủ trong dung nham và máu me – những sản phẩm của Địa ngục. Sự tồn tại của khung cảnh Trái đất dị dạng và điêu tàn này càng làm cho Doom Slayer có thêm lý do để phẫn nộ, bởi cuộc chiến của anh là cuộc chiến bảo vệ sự tồn tại của loài người, bất kể kẻ địch là ai.

Đồ họa được hỗ trợ bởi engine idTech 7 và nhạc nền pulse-pounding hoàn toàn mới do Mick Gordon sáng tác, không gì có thể ngăn cản bạn điều khiển DOOM Slayer khi thổi bay những con quỷ mới và cũ bằng những món vũ khí mạnh mẽ trong thế giới game. Bên cạnh việc nâng cấp gameplay, Doom Eternal còn là nơi mà game thủ chứng kiến nỗ lực nâng cấp cốt truyện của id Software. Game ẩn chứa rất nhiều manh mối và thông tin kết nối giữa các bản Doom cũ (trừ Doom 3 và Doom 3: Resurrection of Evil) với Doom “reboot.” Nó cũng đem lại cho game thủ một khái niệm rõ ràng hơn về vũ trụ của Doom vốn không hề nhất quán và ẩn chứa rất nhiều điều rối rắm, chồng chéo khiến game thủ tranh cãi suốt hàng chục năm trời. 

Hades – Nhỏ nhưng có võ

Không thiếu những lần, một tựa game indie được một studio quy mô nhỏ phát triển dựa trên kinh phí có giới hạn lại được người hâm mộ đón nhận và khen ngợi hết lời vì sự sáng tạo và độc đáo hiếm khi thấy một tác phẩm nào sánh được. Từ thời kỳ những game indie đầu tiên được công chúng đón nhận, như Braid hay Limbo, cứ mỗi năm, người chơi lại được trải nghiệm vài tác phẩm từ các nhà phát triển game độc lập, không bị trói buộc bởi doanh số và doanh thu như những game bom tấn. Và trong số những game indie xuất sắc nhất năm 2020 tính đến thời điểm hiện tại, Hades là một trong số đó

Về cơ bản, cốt truyện trong Hades xoay quanh hành trình đào thoát khỏi địa ngục của Zagreus, cậu “tục tưng” của Chúa tể Địa ngục Hades. Chắc do dưới đó ít sách vở và không có mạng internet, nên mãi đến sau vài nghìn năm bị “lừa dối” bởi cha mình và Nyx, Zagreus mới biết rằng mẹ ruột của mình thật ra là nữ thần Persephone – và dĩ nhiên là cậu có vô vàn câu hỏi muốn tìm lời giải đáp, nên hành trình “bỏ nhà đi chơi” của Zagreus bắt đầu từ đó. Cốt lõi về lối chơi của Hades thuộc về dạng game Roguelike, trong đó mỗi một lần đào thoát của Zagreus sẽ dẫn người chơi qua nhiều “cõi” dưới địa ngục, với kết cấu là hàng chục căn phòng kết nối với nhau một cách ngẫu nhiên, và cuối mỗi “cõi” là một con trùm.

Do bản chất là một tựa game dạng Roguelike, vì vậy có thể xem như Hades không bao giờ có kết thúc, dù người chơi có đột phá khỏi địa ngục để lên được mặt đất. Đơn giản là vì Hades có cơ chế độ khó “động” cực kỳ thú vị. Nhắc đến Supergiant, thì chắc chắn ấn tượng mạnh nhất mà hãng mang lại cho hầu hết người chơi, chính là phong cách đồ họa vẽ tay 2D cực kỳ độc với trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Những tựa game indie luôn đem lại cảm giác độc nhất và mới lạ, chúng giống như những viên ngọc thô, đầy góc cạnh và thiếu sót. Nhưng chính những điều ấy giúp chúng thoát khỏi vòng tròn an toàn để đem lại trải nghiệm độc đáo và Hades không hề may mắn khi được để cử ở vị trí GOTY năm nay.

Final Fantasy 7 Remake – Vượt lên thành công của quá khứ

Khác với phiên bản gốc xuất hiện cách đây hơn 20 năm, gameplay của Final Fantasy VII Remake mang đến cho bạn một sự kết hợp thú vị giữa phong cách hành động nhập vai và chiến đấu theo lượt. Hệ thống chiến đấu tiêu chuẩn cho FF7 Remake sẽ cho bạn tấn công trong thời gian thực để tích điểm cho thanh ATB (Active Time Battle). Sau khi thanh ATB đã đầy, bạn có thể tạm dừng hành động để thực hiện các đòn tấn công đặc biệt, sử dụng phép thuật và sử dụng vật phẩm… Ở một chế độ chơi khác của game, các cuộc tấn công bình thường sẽ được tự động hóa cho đến khi thành ATB đầy. Bạn sẽ không phải lo lắng về khía cạnh hành động thời gian thực nữa, thay vào đó, nhiệm vụ chỉ là đưa ra các lệnh sử dụng skill phù hợp để tạo được hiệu quả tốt nhất (tương tự một game nhập vai theo lượt truyền thống).

Do hệ thống chiến đấu hướng đến tính hành động cao, trải nghiệm đánh boss trong FINAL FANTASY VII Remake hấp dẫn hơn rất nhiều so với phiên bản gốc ngày xưa. Nhịp độ trận chiến diễn ra rất nhanh với tạo hình boss khổng lồ, nhìn cực ngầu vừa ấn tượng vừa không thiếu tính sáng tạo. Tuy nhiên, độ khó của các trận này có thể khiến một số người chơi cũ cảm thấy không thỏa mãn vì hiếm khi đòi hỏi sự kiên nhẫn như trước đây. Một phần vì người chơi có sự hỗ trợ “tận răng” của “công nghệ Assess”, nhưng phần lớn có lẽ vì nhà phát triển có chủ ý thiết kế như thế. Khoảng cách giữa các trận đánh boss cũng được rải đều hợp lý trong phần lớn trải nghiệm, nhưng cũng có một số phân đoạn diễn ra liên tục để cho bạn ăn hành, nhưng chúng vẫn biết cách giữ chân người chơi.

Đồng thời, Square Enix cũng cho thêm một số cảnh mới để phát triển mối quan hệ của Cloud với đồng đội mình trong Avalanche và cho những nhân vật tương đối nhạt nhòa ở bản cổ điển như Jessie, một tính cách hoàn chỉnh hơn. Bằng công nghệ mới của mình, hãng cũng đã khiến những cảnh vốn đã đáng nhớ trong bản gốc trở nên tuyệt vời hơn nữa với việc mọi nhân vật đều có giọng nói riêng được “thổi hồn” bởi dàn diễn viên đầy tài năng, xây dựng các đoạn cắt cảnh có bố trí góc quay tuyệt vời và kịch bản đầy kịch tính!

Final Fantasy 7 vẫn giữ được những cốt lõi tất yếu của franchise huyền thoại, nhưng đồng thời có những cải tiến vô cùng tích cực đem đến trải nghiệm mãn nhãn hơn trên nền đồ họa tân tiến. Đây chỉ đơn giản là bình cũ rượu mới? Hay là sự đổi mới mà chúng ta nên cảm thấy vui mừng?

Animal Crossing: New Horizons – Cái tên không mấy xa lạ

Animal Crossing: New Horizons là hit thành công bất ngờ đối với fan của trò chơi, và nhanh chóng bán sạch ngay khi ra mắt tại Nhật Bản. Thực tế, 1,88 triệu bản đã được tẩu tán sau ba ngày đầu tiên tại đất nước mặt trời mọc. Điều đáng nói ở đây là số liệu này được Famitsu tổng hợp chưa bao gồm doanh số bản điện tử, kể cả khi thế giới đang trong tình trạng bất thường, con số này cũng vô cùng ấn tượng.

Animal Crossing: New Horizons được người dùng đánh giá vô cùng tích cực. Bạn bắt đầu kì nghỉ trên một hòn đảo hoang, không có gì hơn ngoài quần áo. Bạn được tự do làm những gì mình thích. Nhân vật của bạn trong game sẽ biến hòn đảo hoang đó thanh một thiên đường nhiệt đới. Bạn tự tạo nên vương quốc của mình, tự đặt ra quy định. Trong Animal Crossing: New Horizons, bạn dễ dàng tương tác với bạn bè và gia đình, những người bạn không thể gặp thường xuyên được trong thời gian này. Nếu bạn bè của bạn không chơi, cũng không sao, có rất nhiều người chơi muốn trao đổi vật phẩm với bạn hàng giờ đồng hồ.

Giống như trong thế giới thực, có những lúc bạn buộc phải chờ đến ngày tiếp theo. Các cửa hàng đóng cửa buổi tối, chợ rau củ chỉ mở trong một tuần. Đôi khi, bạn phải đợi cả ngày vì cửa hàng đang trong thời gian sửa chữa. Cảm giác vô thường thư thái khiến cho series Animal Crossing trở nên đặc biệt. Sẽ rất thú vị khi thấy nhân vật bộc lộ sự thất vọng hay ngạc nhiên khi hoa anh đào không còn nở vào tháng tư hoặc nhận ra được rằng không có gì là mãi mãi. Có một vài cảm giác về sự thay đổi – đôi khi bạn kiểm soát được, đôi khi không. Đó chính là điều khiến trải nghiệm trong game trở nên đặc sắc.

Thành công của Animal Crossing: New Horizons là sự phù hợp và phổ biến, nhưng điều đó có thể giúp game đạt được GOTY 2020 hay không, thực sự khó có câu trả lời.

Bình chọn cho tựa game bạn yêu thích

Bạn có thể bình chọn cho tựa game mình yêu thích tại trang chủ của giải thưởng The Game Award tại đây. Bạn còn có thể bình chọn cho các hạng mục khác ở phần bên dưới, hãy giúp tựa game ưa thích của mình dành GOTY năm nay nào!


4.6/5 - (80 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN